EU bắt đầu tiến trình phê chuẩn vắcxin ngừa COVID-19 thứ ba

Cơ quan Quản lý dược phẩm EU sẽ tiếp tục đánh giá các thông tin khoa học liên quan đến chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắcxin do công ty dược phẩm AstraZeneca sản xuất.
EU bắt đầu tiến trình phê chuẩn vắcxin ngừa COVID-19 thứ ba ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 12/1, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động tiến trình phê chuẩn vắcxin thứ ba ngừa bệnh COVID-19, trong bối cảnh các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay ngay cả khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng đại trà.

27 quốc gia EU đã cam kết đẩy nhanh thời gian biểu tiêm chủng sau khi công ty dược phẩm AstraZeneca trình hồ sơ xin phê chuẩn lên Cơ quan Quản lý dược phẩm EU (EMA) đối với vắcxin mà công ty này phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế.

EMA cho biết quyết định về việc này có thể được đưa ra sớm nhất là vào ngày 29/1. Hiện vắcxin này đang được sử dụng tại nhiều nước, trong đó có Anh.

[Hãng AstraZeneca nộp đơn xin cấp phép vắcxin lên EMA]

Thông báo của EMA cho biết thời gian để phê chuẩn vắcxin của AstraZeneca/Oxford ngắn như vậy là vì cơ quan này đã đánh giá một số dữ liệu của vắcxin trước đó.

Hiện EMA sẽ tiếp tục đánh giá các thông tin khoa học liên quan đến chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắcxin.

Bốn cuộc thử nghiệm lâm sàng vắcxin của AstraZeneca/Oxford đang diễn ra tại Anh, Brazil và Nam Phi.

Đến nay, EU đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với hai vắcxin, một của hãng Pfizer/BioNTech và một của hãng Moderna.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã kết thúc các cuộc đàm phán thăm dò với phòng thí nghiệm công nghệ sinh học Valneva liên danh giữa Pháp và Áo về khả năng mua 60 triệu liều vắcxin của họ.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/1, Thụy Sĩ đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin Moderna. Hiện quốc gia châu Âu với 8,5 triệu dân này đã đặt mua 7,5 triệu liều vắcxin nói trên.

Cùng ngày, các nhà khoa học của WHO cảnh báo bất chấp các chiến dịch tiêm chủng đại trà, diện bao phủ của vắcxin vẫn chưa đủ rộng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

Chuyên gia trưởng Soymya Swaminathan cho biết: "Chúng ta chưa đạt bất cứ mức nào về miễn dịch cộng đồng trong năm 2021."

Hiện virus SARS-CoV-2 đã làm hơn 92 triệu người nhiễm bệnh COVID-19 trên toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người.

Các bệnh viện ở châu Âu liên tục cảnh báo các nguồn lực đang dần cạn kiệt.

Trong khi đó, Hà Lan đã trở thành nước mới nhất của châu Âu siết chặt kiểm soát phòng virus, gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 9/2, bao gồm đóng cửa trường học và các cửa hiệu không thiết yếu, cấm các cuộc tụ tập từ hai người trở lên, dù ở trong nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.