EU chia rẽ trong việc áp giá trần khí đốt đối với Nga

Hungary cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và điều này đi ngược lại với lợi ích của Hungary.
EU chia rẽ trong việc áp giá trần khí đốt đối với Nga ảnh 1Tuabin khí thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 1 được sửa chữa tại nhà máy của công ty Siemens Energy ở Muelheim an der Ruhr, Đức ngày 3/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành họp ngày 9/9 tại Brussels (Bỉ) để tìm kiếm thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ người dân trước giá năng lượng quá cao và ngăn chặn các công ty năng lượng phá sản trong bối cảnh Nga dần cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. 

Các nhà ngoại giao EU cho biết các nước thành viên nhìn chung ủng hộ đề xuất giúp các nhà cung cấp điện không bị phá sản do khó khăn thanh khoản nhưng các nước vẫn chia rẽ về kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga. 

Các cuộc thảo luận cấp bộ trưởng ngày 9/9 nhằm thảo luận về các lựa chọn trước khi đưa ra các đề nghị chính thức.

Ủy ban châu Âu đề xuất cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho các công ty điện đang gặp yêu cầu thế chấp tăng cao. Các nhà ngoại giao cho biết các nước EU nhìn chung ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, đề xuất áp giá trần khí đốt của Nga đang gây chia rẽ lớn.

Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moskva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU.

Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống TurkStream.

Hungary cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và điều này đi ngược lại với lợi ích của Hungary.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho rằng hiện có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu, vì vậy giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga. 

Các nước Baltic nằm trong số các nước ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng điều này sẽ giảm nguồn thu của Moskva để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Các Bộ trưởng Năng lượng của EU cũng xem xét đề xuất tất cả các nước thành viên EU giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, cũng như áp giá trần đối với điện ở mức 200 euro mỗi megawatt/h. Đề xuất này cũng bị một số nước phản đối. 

Trong diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/9 cho rằng trần giá dầu mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp áp đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga nên được ấn định theo “giá công bằng theo thị trường” trừ đi phần giá chênh do rủi ro từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố, trong những tuần tới, nhóm G7 sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu mỏ xuất khẩu của Nga và “xúc tiến các chế tài” cụ thể về cách thức triển khai thực hiện. 

Trước các động thái trên của phương Tây, ngày 9/9, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn tại Mỹ và các đồng minh. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố phương Tây không hiểu rằng các biện pháp này cuối cùng sẽ tác động đến chính đất nước của họ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.