EU chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhiều cá nhân Nga và Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân quốc tịch Nga và Ukraine với cáo buộc làm suy yếu nền độc lập của Ukraine.
EU chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhiều cá nhân Nga và Ukraine ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp báo tại Sofia, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/9, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân quốc tịch Nga và Ukraine với cáo buộc làm suy yếu nền độc lập của Ukraine.

Trong thông báo mới đưa ra, Hội đồng châu Âu cho biết các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và hạn chế đi lại sẽ được gia hạn thêm 6 tháng với 155 cá nhân và 44 công ty.

Thông báo có đoạn nêu rõ kết quả đánh giá tình hình mới nhất cho thấy chưa đủ cơ sở để thay đổi cơ chế trừng phạt hiện nay.

Các biện pháp trừng phạt này lần đầu được áp dụng từ tháng 3/2014 và được đánh giá gia hạn theo chu kỳ 6 tháng/lần.

Như vậy, quyết định mới cho phép duy trì các biện pháp trừng phạt tới hết ngày 15/3/2019.

[Mỹ chỉ trích bầu cử do Nga hậu thuẫn ở thành trì nổi dậy Ukraine]

Các biện pháp trừng phạt trong quyết định này độc lập với những biện pháp hạn chế mà EU áp đặt với nền kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cuối tháng 2/2014, tình hình tại Ukraine từ chỗ ban đầu chỉ là một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ đã dẫn đến bạo lực leo thang thành một cuộc xung đột trên quy mô toàn diện tại miền Đông.

Kể từ khi bùng phát đến nay, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Mặc dù trong năm 2015, tại Minsk (thủ đô Belarus), các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Bộ tứ Normandy gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, song đến nay tình hình tại khu vực này vẫn tiếp diễn căng thẳng khi các bên vẫn lên tiếng cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cáo buộc Nga can dự vào tình hình tại miền Đông Ukraine, dung túng cho các lực lượng đòi độc lập tại vùng này và quyết định trừng phạt Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.