Ngày 26/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhận định Liên minh châu Âu (EU) vẫn có thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga trong những ngày tới, hoặc tìm kiếm các công cụ khác trong trường hợp không đạt được nhất trí.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cho đến nay, các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn chưa đạt được đột phá do sự phản đối của Hungary.
Bộ trưởng Habeck cho rằng tất cả các nước thành viên EU phải giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bao gồm cả Hungary. Nếu coi đây là cơ sở cho các cuộc thảo luận thì việc đạt được thỏa thuận hoàn toàn khả thi. Dự kiến cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu sẽ diễn ra trong 5 ngày tới.
Theo ông Habeck, đây sẽ là thời điểm quyết định xem liệu EU có đạt được đồng thuận hay phải xem xét phương án khác. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể phương án thay thế là gì.
[EU lên kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vào cuối năm 2022]
EU ban đầu đề xuất các nước thành viên ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong 6 tháng tới và ngừng nhập khẩu nhiên liệu tinh chế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Hungary phản đối vì cho rằng kế hoạch này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng.
Lệnh cấm vận được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thúc đẩy nhằm giảm sự phụ thuộc của các nước EU đối với nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Nga.
Lệnh cấm vận này được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 của EU áp đặt với Nga. Ngoài dầu mỏ, gói trừng phạt cũng bao gồm các biện pháp nhằm vào ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, cũng như các biện pháp bổ sung đối với các quan chức cấp cao của Nga./.