EU công bố kế hoạch mới nhằm khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

EU công bố kế hoạch mới nhằm khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và liên quan đến sự hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, giao thông và quản lý các dòng người di cư.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Berlin, ngày 17/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Berlin, ngày 17/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) muốn khởi động lại quan hệ chính trị và kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường ổn định khu vực, bất chấp những khác biệt giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về chính sách đối ngoại và những khó khăn, trở ngại trong tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell và Ủy viên phụ trách Mở rộng châu Âu Oliver Varhelyi ngày 29/11 đã công bố kế hoạch mới nhằm khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và liên quan đến sự hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, giao thông và quản lý các dòng người di cư.

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Brussels, Ủy viên Oliver Varhelyi cho rằng hai bên có thể không đồng quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng có nhiều điểm thống nhất hơn là điểm chia rẽ.

Còn Đại diện Cấp cao của EU Josep Borrell cho biết: “Rõ ràng là đã có những khó khăn trong quá khứ, chẳng hạn như những động lực ở Đông Địa Trung Hải, quan hệ song phương với một số quốc gia thành viên của chúng tôi và những vấn đề về thương mại.”

Các cam kết mới bao gồm đầu tư xanh và kỹ thuật số, những nỗ lực mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin thị thực, đối thoại cấp cao về kinh tế, năng lượng, giao thông, khí hậu và y tế, và đối thoại mới ở cấp cao về thương mại nhằm giải quyết "các yếu tố kích thích thương mại."

EU cho biết họ cũng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về một liên minh hải quan hiện đại giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, với điều kiện Ankara ủng hộ các nỗ lực chống lại việc lách các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Ngoài ra, hợp tác về quản lý di cư, một khía cạnh quan trọng trong quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi được ký kết vào năm 2016, cũng sẽ được củng cố để ngăn chặn tình trạng di cư bất thường, tăng cường kiểm soát biên giới và chống buôn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.