EU công nhận chứng nhận y tế của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Bắc Macedonia

"Các chứng nhận tương đương" đồng nghĩa với việc các chứng nhận của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Bắc Macedonia sẽ được liên kết với hệ thống Chứng nhận điện tử về COVID-19 của toàn khối EU (DCC).
EU công nhận chứng nhận y tế của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Bắc Macedonia ảnh 1Xuất trình thẻ thông hành y tế tại Pháp, ngày 8/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) sẽ công nhận các loại giấy chứng nhận y tế liên quan đến dịch COVID-19 được cấp tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Bắc Macedonia từ ngày 20/8, mở đường cho việc đơn giản hóa đi lại của người dân.

Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ "các chứng nhận tương đương" đồng nghĩa với việc các chứng nhận của ba quốc gia trên sẽ được liên kết với hệ thống Chứng nhận điện tử về COVID-19 của toàn khối EU (DCC).

Chứng nhận của EU bao gồm người sở hữu đã được tiêm đầy đủ vaccine trong số các loại vaccine được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, đã phục hồi sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc có xét nghiệm âm tính với virus.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Bắc Macedonia sẽ công nhận các chứng nhận về COVID-19 của EU.

[Chứng nhận kỹ thuật số về COVID - ""chìa khóa"" mở cửa châu Âu?]

Ủy viên châu Âu về tư pháp Didier Reynders bày tỏ vui mừng khi thấy danh sách các nước thực thi một hệ thống dựa trên DCC đang ngày được nối dài và hy vọng "sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc tế." Ông cho biết việc này "sẽ giúp tạo điều kiện cho việc đi lại an toàn, kể cả bên ngoài biên giới của Liên minh."

Tuy nhiên, các chứng nhận trên có chút vấn đề về loại vaccine. EU chỉ công nhận bốn vaccine của các hãng BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson.

Trong khi đó, Ukraine công nhận cả bốn loại này cùng với vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Còn Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Macedonia, bên cạnh các vaccine của BioNTech/Pfizer and AstraZeneca còn công nhận ba loại khác chưa được EMA phê chuẩn là vaccine của Sinovac và Sinopharm (của Trung Quốc) và vaccine Sputnik V của Nga.

EU cũng đã có thỏa thuận tương tự với Thụy Sĩ (một nước không phải thành viên EU) và đang nỗ lực thiết lập hệ thống công nhận lẫn nhau với Mỹ song chưa đạt tiến triển.

Hiện, EU chưa có quyết định tương tự với cựu thành viên Anh dù nhiều nước thành viên đã đơn phương công nhận chứng chỉ của Anh nhằm đơn giản hóa việc đi lại cho những người đã tiêm phòng đầy đủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.