Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhận định mối quan hệ giữa liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thời điểm "bước ngoặt nhạy cảm," đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo quyết định về con đường phía trước.
Phát biểu ngày 15/9 trong một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ), ông Borrell nêu rõ: "Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang ở một thời khắc bước ngoặt trong lịch sử và sẽ đi về hướng này hoặc hướng khác, phụ thuộc vào điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới."
Nhà ngoại giao hàng đầu EU thừa nhận "tình hình đã trở nên tồi tệ hơn" và các nhà lãnh đạo cần "đưa ra những quyết định khó khăn" trong hội nghị thượng đỉnh EU vào này 24-25/9 tới.
Ông Josep Borrell đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng liên quan một số vấn đề, trong đó có việc Ankara triển khai tàu Oruc Reis tới thăm dò dầu khí và các tàu chiến tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền cùng hai quốc gia thành viên của EU là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp.
[Tranh chấp ở Địa Trung Hải: Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị EU trừng phạt]
Căng thẳng được đẩy lên cao độ khi các bên đã tổ chức tập trận quân sự để phô trương lực lượng ở phía Đông Địa Trung Hải, cụ thể Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cyprus - khiến những tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự.
Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần tới, trong đó việc Pháp ủng hộ Hy Lạp và Cyprus về khả năng áp đặt trừng phạt với Ankara.
Tuy nhiên, ông Borrell cho biết hiện "vẫn chưa có một thỏa thuận về các lệnh trừng phạt." Quyết định về các biện pháp trừng phạt đối với Ankara cần có sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.
Quan chức cấp cao của EU cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện dấu hiệu xoa dịu căng thẳng khi rút tàu Oruc Reis trở lại cảng, mặc dù Ankara nói rằng việc này là để phục vụ công tác bảo trì.
Hiện Đức đang nỗ lực dàn xếp giữa các bên liên quan, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tiến hành các cuộc tham vấn để tránh việc hai nước thành viên của liên minh xảy ra xung đột quân sự như đã từng gặp phải năm 1996 tại một số hòn đảo tranh chấp./.