Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí nới lỏng dự thảo các quy định mới về cách thức các ngân hàng xử lý nợ xấu - một vấn đề vẫn đeo đuổi khu vực này một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, đề xuất này vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua.
Tuyên bố của EU ra ngày 31/10 cho biết theo đề xuất trên, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để dự trữ tiền nhằm trang trải những phí tổn có thể do nợ xấu gây ra.
[Kế hoạch ngân sách của Italy có thể đẩy EU vào cuộc khủng hoảng mới]
Các nước thành viên EU ủng hộ gia hạn thời gian từ 2 năm thành 3 năm để các ngân hàng xây dựng biện pháp ngăn chặn những khoản vay mới của khách hàng có nguy cơ thành nợ xấu.
Các chính phủ EU cũng nhất trí lùi thời điểm áp dụng yêu cầu mới từ tháng 3/2018 sang tháng 3/2020 để các ngân hàng có thêm thời gian trang trải những phí tổn do các khoản nợ không bảo đảm.
Hơn nữa, yêu cầu mới này sẽ chỉ áp dụng đối với những khoản vay được giải ngân sau khi dự thảo quy định trên được thông qua.
Bên cạnh đó, các khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản sẽ cần phải được xử lý hoàn toàn trong 9 năm thay vì 8 năm.
Thời gian cụ thể để các quy định mới có hiệu lực sẽ tùy thuộc vào thời điểm Nghị viện EU “bật đèn xanh” cho đề xuất trên./.