EU đề xuất phương án thành lập lực lượng phòng thủ chung

Đại diện cấp cao của EU nhận định cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân đã làm nổi bật sự cần thiết của việc tăng cường năng lực quân sự của EU.
EU đề xuất phương án thành lập lực lượng phòng thủ chung ảnh 1Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/9, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng chiến dịch rút quân lộn xộn của phương Tây khỏi Afghanistan có thể là chất xúc tác cho các nỗ lực của EU nhằm phát triển một lực lượng phòng thủ chung, đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng phản ứng nhanh sẽ là một phần của nỗ lực đó.

Phát biểu với báo giới, khi đề cập tới một "lực lượng tiên phong," ông Borrell nói: "Đôi khi có những sự kiện mang tính đột phá và tôi cho rằng Afghanistan là một trong những trường hợp đó. Chúng ta phải tìm kiếm cái gì đó hoạt động hiệu quả hơn. Điều rõ ràng hơn bao giờ hết là sự cần thiết phải thành lập một lực lượng phòng thủ lớn mạnh hơn của châu Âu."

Ông Borell cũng bày tỏ hy vọng kế hoạch này sẽ được xúc tiến vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Tuyên bố của ông Borell được đưa ra trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao EU tại Slovenia vào ngày 2 và 3/9.

Trước đó, Đại diện cấp cao của EU cũng nhận định cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân đã làm nổi bật sự cần thiết của việc tăng cường năng lực quân sự của EU.

Ông nhấn mạnh EU phải có khả năng can thiệp để bảo vệ lợi ích của khối khi Mỹ không muốn can dự.

Quan chức này kêu gọi thành lập một "lực lượng tiên phong" của châu Âu gồm 5.000 binh sỹ nhằm thay thế các nhóm chiến đấu của EU, vốn được thành lập vào năm 2007 song chưa bao giờ được huy động.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại Qatar sau cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Taliban về tình hình Afghanistan, song Anh hiện chưa có ý định công nhận chính phủ do Taliban lãnh đạo.

Ông cũng cho biết đã cùng Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani thảo luận về việc đảm bảo Afghanistan không trở thành nơi chứa chấp chủ nghĩa khủng bố trong tương lai, ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ sự ổn định của khu vực và bảo đảm Taliban có trách nhiệm với cam kết thành lập một chính phủ toàn diện hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.