EU đề xuất Quỹ quốc phòng châu Âu để tăng khả năng phòng thủ

Quỹ quốc phòng châu Âu với ngân sách ước tính khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) mỗi năm, sẽ phối hợp các khoản đầu tư quốc gia của các nước thành viên EU đầu tư nghiên cứu và phát triển quốc phòng.
EU đề xuất Quỹ quốc phòng châu Âu để tăng khả năng phòng thủ ảnh 1Binh sỹ NATO. (Nguồn: AP)

Ngày 7/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một dự án Quỹ quốc phòng châu Âu để tăng cường khả năng phòng thủ của châu lục.

Quỹ này, với ngân sách ước tính khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn sau năm 2020, sẽ phối hợp các khoản đầu tư quốc gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào nghiên cứu và phát triển quốc phòng.

Dự án về Quỹ đầu tư quốc phòng của EU sẽ phải được các nước thành viên thông qua trước khi có thể triển khai, trong đó dự kiến những khoản tiền đầu tiên sẽ dành để tài trợ cho các nghiên cứu về các công nghệ mới như phát triển các phần mềm mã hóa hay công nghệ chế tạo người máy.

Theo tính toán của Brussels, sự thiếu hợp tác trong quốc phòng giữa các nước thành viên có thể gây tốn kém từ 25 đến 100 tỷ euro mỗi năm.

Phát biểu tại buổi trình bày các đề xuất của EC, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini đánh giá EU không phải và cũng sẽ không trở thành một liên minh về quân sự, đồng thời giải thích các dự án của EU là nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng do hợp tác quốc phòng trên toàn EU mang lại, lĩnh vực hiện nay vốn vẫn do từng nước tự chịu trách nhiệm.

[Tổng Thư ký NATO hối thúc Đức tăng ngân sách quốc phòng]

Về phần mình, Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen đánh giá ngoài việc hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU còn phải tự mình làm nhiều hơn và tốt hơn, đồng thời giải thích Brussels sẵn sàng giúp đỡ các nước thành viên chi tiêu hiệu quả hơn số tiền đóng góp cho mục đích quốc phòng.

Theo các nhà ngoại giao EU, việc Anh - nước luôn phản đối ý tưởng hội nhập quốc phòng ở cấp độ châu Âu - rời khỏi khối này là cơ hội thuận lợi để EU có thể khởi động các dự án trên.

Chính sự không rõ ràng trong cam kết đảm bảo an ninh cho châu Âu của đồng minh Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chỉ nhấn mạnh đến yêu cầu các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng mà không khẳng định ủng hộ Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, đã buộc EU phải đi đến quyết định tự lực tăng cường đảm bảo an ninh cho chính mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.