EU gây sức ép với Ukraine về việc lập tòa án chống tham nhũng

Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/3 tiếp tục yêu cầu Ukraine lập một tòa án chống tham nhũng độc lập để truy tố và xét xử những quan chức nhận hối lộ.
EU gây sức ép với Ukraine về việc lập tòa án chống tham nhũng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/3 tiếp tục yêu cầu Ukraine lập một tòa án chống tham nhũng độc lập để truy tố và xét xử những quan chức nhận hối lộ trong bối cảnh bất đồng giữa Ukraine và các nhà tài trợ quốc tế về việc bên nào có quyền tối cao trong việc bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini​ nhấn mạnh EU cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và cả người dân Ukraine đều kỳ vọng và mong muốn chứng kiến những tiến bộ đáng kể hơn nữa trong cuộc chiến chống tình trạng tham nhũng.

Theo Đại diện EU, các thể chế chống tham nhũng phải được cho phép hoạt động độc lập và đủ quyền lực cũng như nguồn lực để có thể tiến hành điều tra, truy tố và cuối cùng là đảm bảo kết án đúng người, đúng tội.

Tòa án điều tra những vụ án tham nhũng ở cấp cao này được coi là mắt xích còn thiếu trong hệ thống thể chế mà Ukraine tạo ra trong cuộc cải cách trên diện rộng những năm qua.

Hiện Kiev và IMF vẫn bất đồng về việc bên nào có quyền tối cao trong việc bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án. Theo đó, IMF muốn tiến trình này sẽ được một hội đồng chung của các chuyên gia quốc tế giám sát.

Trong khi đó, bản dự thảo đã được Quốc hội Ukraine thông qua trong lần đọc đầu tiên lại quy định quyền giám sát được giao cho một ủy ban của Ukraine.

Tuy nhiên, IMF lo ngại việc này sẽ khiến hoạt động của tòa án bị tác động đồng thời bày tỏ quan ngại về một số vấn đề khác trong dự luật.

Việc không tuân thủ các cam kết về cải cách chống tham nhũng, trong đó có việc trì hoãn thành lập tòa án xét xử loại tội phạm này đã khiến cho Ukraine không được nhận các khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD theo chương trình hỗ trợ của IMF.

Các nhà lập pháp của Ukraine cho biết đang hợp tác với các ủy ban để đưa ra dự luật phù hợp với yêu cầu của IMF hơn.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từng tuyên bố thẩm phán của tòa án này phải được người Ukraine bổ nhiệm chứ không phải các chuyên gia nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.