EU giải thích với chính quyền Trump vể thỏa thuận hạt nhân Iran

EU đã liên lạc với chính quyền sắp đi vào hoạt động của ông Donald Trump nhằm làm rõ những "hiểu lầm" về thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump từng cảnh báo sẽ hủy bỏ sau khi tiếp quản Nhà Trắng.
EU giải thích với chính quyền Trump vể thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/1, một nguồn tin ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết liên minh này đã liên lạc với chính quyền sắp đi vào hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm rõ những "hiểu lầm" về thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump từng cảnh báo sẽ hủy bỏ sau khi tiếp quản Nhà Trắng. 

Theo nguồn tin trên, việc EU liên lạc với chính quyền của ông Trump là để giải thích giá trị của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1. EU cho rằng đây là một thỏa thuận đa phương, nếu một bên hủy bỏ sẽ khiến các bên còn lại cũng có thể hành động tương tự.

Thỏa thuận này rất quan trọng vì giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn tiềm tàng ở một khu vực mà căng thẳng đang gia tăng. Do đó, EU kiên quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và đang phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và Nga trong vấn đề này.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU, bà Federica Mogherini ngày 16/1 tái khẳng định EU ủng hộ thỏa thuận với Iran vì nó đáp ứng các yêu cầu an ninh của châu Âu.

Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) ký ngày 14/7/2015, giúp chấm dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/1/2016, theo đó Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là "một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất mà ông từng chứng kiến," đồng thời cảnh báo văn kiện này không thể ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thậm chí, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.