Ngày 22/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch tăng mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên 40% vào năm 2030 so với mức phát thải năm 1990, đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 27% vào năm 2030.
Đây là mục tiêu bắt buộc được áp dụng cho cho toàn EU nhưng lại không ràng buộc đối với chính phủ của từng nước thành viên.
Trước đó, EU chỉ cam kết cắt giảm 20% lượng khí thải so với năm 1990 và nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên mức 20% vào năm 2020.
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã hoan nghênh kế hoạch trên của EU, khẳng định đây là "tín hiệu tích cực" cho việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới tại Hội nghị các bên tham gia UNFCCC, dự kiến diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) vào tháng 12/2015.
Theo kế hoạch, nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020 với mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Viện nghiên cứu các nguồn lực thế giới (WRI) có trụ sở tại Washington cũng cho rằng kế hoạch trên của EU đang đi "đúng hướng" cho dù mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030 chỉ là mức thấp nhất theo khuyến cáo của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, các nước đang phát triển và những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vẫn muốn EU thể hiện tham vọng cắt giảm lớn hơn nữa.
Tuyên bố của Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) - nhóm các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng nước biển dâng do tình trạng nóng lên của Trái đất - nêu rõ: "Nếu đây là điểm khởi đầu cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu thì chắc chắn chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng đến năm 2015 thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận chung đủ để đối mặt với những thách thức (về khí hậu) hiện nay."
Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace) cũng cho rằng đề xuất của EU là chưa tương xứng vì năng lượng tái tạo có thể chiếm tới gần một nửa năng lượng tiêu thụ ở châu Âu vào năm 2030.
Các tổ chức phi chính phủ khác cũng kêu gọi EU nâng mục tiêu cam kết tại hội nghị vào tháng Ba tới, trong khi Hiệp hội các nhà khoa học môi trường có trụ sở tại Mỹ cảnh báo mục tiêu cam kết ở mức thấp của EU có nguy cơ tác động tiêu cực tới kết quả của Hội nghị UNFCCC lần thứ 21 vào tháng 12/2015.
Theo số liệu thống kê chính thức, tính đến cuối năm 2012, EU đã cắt giảm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cũng đã chạm mức 12,4% từ năm 2010./.