EU hối thúc Anh sớm ra yêu cầu đàm phán quy chế thành viên

Các nhà đàm phán cấp cao tại Brussels (Bỉ) đã hối thúc Thủ tướng Cameron sớm đưa ra yêu cầu đàm phán bằng văn bản liên quan tới quy chế thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh.
EU hối thúc Anh sớm ra yêu cầu đàm phán quy chế thành viên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Theo phóng viên TTXVN tại London, các nhà đàm phán cấp cao tại Brussels (Bỉ) đã hối thúc Thủ tướng Anh David Cameron sớm đưa ra những yêu cầu đàm phán bằng văn bản liên quan tới quy chế thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh, trước khi London tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc "ra đi" hay tiếp tục "ở lại" liên minh này trước cuối năm 2017.

Báo Anh The Guardian, ngày 12/10, cho biết phát biểu với các nhà ngoại giao EU cuối tuần qua, ông Jeppe Tranholm-Mikkelsen, Tổng Thư ký Hội đồng EU, khẳng định không có cơ sở nào để tiến hành thêm các cuộc đàm phán cho đến khi Chính phủ Anh có những đề xuất bằng văn bản. Chính khách này đồng thời là quan chức cao cấp nhất của EU từng chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Thương lượng hồi tháng 7 năm nay sau khi ông Cameron tái đắc cử Thủ tướng Anh.

Hai nguồn tin cấp cao bên phía EU cho biết các cuộc thương lượng được khởi động hồi tháng 7 chỉ ở mức "kỹ thuật" và cho đến nay không có tiến triển thêm do sự thiếu rõ ràng từ phía Anh. Giới quan sát nhìn nhận sự miễn cưỡng của Downing Street viết ra cụ thể lập trường của London trong việc thương lượng lại các điều khoản thành viên EU do lo ngại văn bản này có thể bị rò rỉ và Thủ tướng Cameron sẽ dễ trở thành "con tin" của những nhân vật Bảo thủ chống EU.

Ngoài ra, một lập trường công khai quá cũng có thể khiến các nước EU khác buộc phải tuyên bố rằng những yêu cầu của London là "không thể chấp nhận được."

Các nhà phân tích cho rằng sự phàn nàn từ Brussels sẽ chất thêm áp lực cho Văn phòng Thủ tướng Anh phải điều chỉnh các chiến thuật của mình và tập trung cụ thể hơn vào 4 lĩnh vực cải cách mà họ hy vọng sẽ đạt được qua thương lượng với các nhà lãnh đạo EU.

Bốn lĩnh vực này bao gồm: Hình thức bồi thường cho các quyết định của EU dẫn tới hội nhập liên bang và các nghị viện quốc gia có quyền ngăn chặn văn bản luật của EU; thiết lập một thị trường chung EU phù hợp hơn; các biện pháp hạn chế di chuyển tự do giữa các nước thành viên EU và các thay đổi nhằm hạn chế phúc lợi xã hội cho các công dân EU mới tại Anh; sự đảm bảo chặt chẽ rằng các nước không nằm trong Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Anh sẽ không phải chịu bất lợi trong quá trình hoạch định chính sách mà các nước Eurozone chiếm đa số.

Trong một phát biểu với báo giới mới đây tại Brussels, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thừa nhận Thủ tướng Cameron sẽ không sớm đưa ra chi tiết những cải cách mà ông mong muốn.

Trong khi đó, tại Anh, cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối nước này ở lại EU đã bắt đầu khởi động các chiến dịch vận động của mình nhằm thuyết phục cử tri "Xứ sở sương mù" có quyết định sáng suốt trong cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU, dự kiến được tiến hành trước cuối năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.