Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, Josep Borell cho biết việc mở rộng EU bao gồm các nước ở Tây Balkan sẽ là một khoản đầu tư cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, phát biểu với báo giới ngày 13/12, sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh EU-Tây Balkan tại Brussels, ông Borrell nhấn mạnh: "Việc mở rộng phải tăng tốc. Đó là sự đảm bảo an ninh của chúng tôi và đó là cách quan trọng nhất để trở thành đối tác."
Theo người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU, tình hình thay đổi trên khắp thế giới đã khiến an ninh và ổn định của châu Âu gặp nguy hiểm.
Quan chức EU cho biết: “Mối quan tâm sống còn của chúng tôi là làm việc và hợp tác chặt chẽ nhất có thể với Tây Balkan, những thành viên tương lai của chúng tôi” chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và tăng cường khả năng phục hồi.
Tại hội nghị trên, EU đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 1,8 triệu euro dành cho Albania, Montenegro và Bắc Macedonia để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.
Theo ông Borrell, hỗ trợ tài chính này nhằm mục đích củng cố các đối tác của EU trước những thách thức mà họ gặp phải trong lĩnh vực quan trọng này, góp phần đảm bảo an ninh của châu Âu.
Các nhà lãnh đạo của Albania, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Serbia, Bắc Macedonia và vùng lãnh thổ Kosovo đã tập trung tại Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh với EU.
Đây là cơ hội để tái khẳng định quan điểm của tư cách thành viên Tây Balkan trong EU cũng như sự cần thiết của các đối tác để đạt được những cải cách lâu dài và không thể đảo ngược, dựa trên các giá trị và nguyên tắc của EU.
Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh môi trường địa chiến lược ngày càng phức tạp với cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu và toàn cầu, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và khu vực Balkan.
Tuyên bố đề cập đến pháp quyền và kinh tế là những lĩnh vực quan trọng cần cải cách. EU cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức cũng như tăng cường hỗ trợ cho nhân quyền và bình đẳng giới.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen nhấn mạnh đầu tư bổ sung từ EU cho Tây Balkan cũng sẽ gắn liền với cải cách.
Trong số các quốc gia Tây Balkan, Montenegro được coi là quốc gia tiến xa nhất trong quá trình gia nhập liên minh này.
EU đã tiến hành đàm phán gia nhập khối với Montenegro và Serbia lần lượt từ năm 2012 và 2014./.