EU kêu gọi siết chặt trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân

Các nước Đức, Italy, Pháp và Anh cũng kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt của EU chống Triều Tiên sau "hành động khiêu khích mới" của Bình Nhưỡng.
EU kêu gọi siết chặt trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân ảnh 1Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Ngày 3/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lên án vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên sáng cùng ngày là hành động vi phạm các nghĩa vụ của nước này đối với luật pháp quốc tế, bất chấp các yêu cầu mạnh mẽ và liên tục từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các quy định về cấm phổ biến và giải trừ vũ khí trên toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Tusk đã nhắc lại yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, chính sách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng các chương trình tên lửa đạn đạo của mình một cách đầy đủ, toàn diện và không thể đảo ngược, đồng thời phải ngừng tất cả các hoạt động này ngay lập tức.

Ông khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng nối lại cuộc đối thoại về các chương trình phát triển vũ khí một cách vô điều kiện.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn để đạt mục đích phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. 

[Nhiều nước nhất trí tiến hành các biện pháp mạnh với Triều Tiên]

Cùng ngày, Đức, Italy, Pháp và Anh cũng kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt của EU chống Triều Tiên sau "hành động khiêu khích mới" của Bình Nhưỡng. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm và nhất trí rằng "Triều Tiên đã phớt lờ luật pháp quốc tế, vì vậy cộng đồng quốc tế cần phản ứng một cách mạnh mẽ chống lại bước leo thang mới này."

Một thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết hai lãnh đạo đã kêu gọi EU siết chặt các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng nhấn mạnh "cần có một phản ứng bình tĩnh nhưng rõ ràng" nhằm đáp lại vụ thử hạt nhân mới nhất.

Trong một cuộc điện đàm khác cùng ngày, ông Macron và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng đồng quan điểm về "sự cần thiết phải có một phản ứng quốc tế mạnh mẽ."

Phủ Tổng thống Pháp cho biết phản ứng mạnh mẽ này bao gồm việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và EU cần áp đặt các trừng phạt mới. 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May ra tuyên bố khẳng định hành động mới nhất của Triều Tiên là "thiếu thận trọng và gây ra một mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế."

Bà May cũng nhắc lại lời kêu gọi quốc tế có hành động cứng rắn hơn, bao gồm đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp trừng phạt đang có và khẩn trương xem xét các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha và thảo luận các biện pháp đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ngoại trưởng Anh đã bày tỏ "ủng hộ mạnh mẽ" các nỗ lực nhằm siết chặt trừng phạt và gia tăng sức ép "đến mức tối đa" để Triều Tiên thay đổi cách hành xử.

Ông Johnson cũng nhấn mạnh Anh sẽ thể hiện ủng hộ của mình trong vai trò một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đưa ra một nghị quyết cứng rắn chống Triều Tiên, đồng thời cam kết sát cánh với Hàn Quốc và Mỹ để đảm bảo sự hợp tác "mang tính xây dựng" của Trung Quốc và Nga nhằm phá vỡ thế bế tắc hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Các lệnh trừng phạt của EU chống Triều Tiên đã bắt đầu áp dụng từ năm 2006 và là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn các tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

EU đã gia tăng trừng phạt, đặc biệt trong vài tháng gần đây. Mới nhất là tháng 8 vừa qua, khối này đã mở rộng danh sách trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Trong khi đó, Liên hợp quốc đã áp đặt 6 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 đến nay, trong đó 2 lệnh trừng phạt hồi năm 2016 là nghiêm ngặt nhất, và mới đây nhất là nghị quyết trừng phạt đưa ra sau khi Triều Tiên thử ICBM trong tháng 7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.