EU kêu gọi thành viên có quan điểm thống nhất về tình hình Afghanistan

Nghị sỹ David McAllister cho rằng EU cần đưa ra một quan điểm thống nhất và hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
EU kêu gọi thành viên có quan điểm thống nhất về tình hình Afghanistan ảnh 1Trong ảnh: Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid (trái) tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/8, nghị sỹ David McAllister - thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), đã kêu gọi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) có một quan điểm chung về vấn đề Afghanistan.

Trong một tuyên bố, nghị sỹ McAllister nêu rõ: “EU cần một cách tiếp cận mới đối với Afghanistan và cả khu vực... nên đưa ra một quan điểm thống nhất và hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực."

Phát biểu trước EP cùng ngày, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell đánh giá Trung Á sẽ ngày càng trở thành một khu vực quan trọng đối với EU sau những diễn biến ở Afghanistan.

Theo ông Borrell, “Trung Á sẽ trở thành một khu vực chiến lược và quan trọng hơn với chúng ta. Chắc chắn rằng những diễn biến hiện nay sẽ gây ảnh hưởng lớn tới an ninh khu vực và quốc tế."

Ông Borrell cũng cam kết EU sẽ tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho các nước láng giềng của Afghanistan nhằm giúp họ “ứng phó tốt hơn với những ảnh hưởng tiêu cực trong vấn đề di cư, nguy cơ khủng bố và buôn bán thuốc phiện gia tăng."

Theo ông Borrell, các diễn biến tại Afghanistan là "thảm họa đối với nhân dân Afghanistan, đối với uy tín của phương Tây cũng như sự phát triển của các quan hệ quốc tế" và chứng tỏ sự thất bại của công tác tình báo khi không thể dự báo sự trở lại nắm quyền quá nhanh chóng của lực lượng Taliban.

Các nước phương Tây đang nỗ lực đưa công dân mình tại Afghanistan về nước, cũng như hỗ trợ tị nạn cho các nhân viên người Afghanistan làm việc cho các phái bộ ngoại giao cùng gia đình họ. Ông Borrell bày tỏ lo lắng một làn sóng di cư mới tại châu Âu giống như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

[Tình hình Afghanistan: Mỹ đồng thuận quan điểm với Nga và Trung Quốc]

Ông cho biết thêm EU đang liên lạc với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, người sẽ tổ chức một hội nghị ngoại trưởng trực tuyến vào ngày 20/8 để thảo luận tình hình Afghanistan.

Theo thông tin cập nhật, đến giờ đã có khoảng 400 người Afghanistan từng làm việc cho EU và các thành viên gia đình họ đã được sơ tán sang châu Âu, song còn 300 người vẫn đang kẹt ở sân bay Kabul.

Anh cân nhắc hỗ trợ người Afghanistan sơ tán sang một nước thứ ba

Liên quan đến việc sơ tán, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nước này đang bắt đầu tìm kiếm các trung tâm ở một nước thứ ba để giải quyết việc sơ tán người Afghanistan.

Ông Wallace nêu rõ: “Chúng tôi đang bắt đầu đầu tư vào các trung tâm ở nước thứ ba để có thể giải quyết trường hợp những người Afghanistan muốn đến một nước khác trong khu vực. Ông cũng cho biết các binh sỹ Anh sẽ ở sân bay Kabul trong thời gian lâu như các lực lượng Mỹ để "tạo điều kiện thuận lợi" cho hoạt động sơ tán công dân.

EU kêu gọi thành viên có quan điểm thống nhất về tình hình Afghanistan ảnh 2Người dân đợi tại sân bay Kabul để sơ tán khỏi Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời hãng tin Sky News, ông Wallace cho biết Anh đặt mục tiêu sơ tán khoảng 1.200 tới 1.500 người/ngày, tùy vào khả năng vận chuyển của máy bay Anh và nước này sẽ duy trì số lượng này.

Trước đó chính phủ Anh cũng công bố kế hoạch tiếp nhận 5.000 người từ Afghanistan trong năm đầu tiên, hướng tới tiếp nhận 20.000 người trong dài hạn.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết thời tiết không thuận lợi được dự báo trong những ngày tới có nguy cơ làm trì hoãn các chuyến bay sơ tán từ Afghanistan. Theo ông Morrison, Australia đã sơ tán 26 người rời khỏi Afghanistan và thêm 76 người nữa vào chiều 19/8 trên một máy bay của Anh.

Australia đã cấp 3.000 thị thực cho những người Afghanistan rời khỏi đất nước trong khuôn khổ chương trình thị thực nhân đạo hiện hành của nước này là cấp 13.750 thị thực/năm.

Cả Australia và Anh đều tham gia lực lượng quốc tế do NATO đứng đầu tại Afghanistan để đào tạo các lực lượng an ninh Afghanistan trong những năm sau khi lực lượng Taliban bị lật đổ vào năm 2001. Australia có hơn 39.000 quân nhân phục vụ tại Afghanistan, trong đó có 41 người bị thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.