EU kêu gọi tích cực giải quyết vấn đề người di cư vào châu Âu

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU cùng nhau giúp đỡ làn sóng người nhập cư đang đổ về châu lục này thay vì tìm cách đưa họ trở về quê hương.
EU kêu gọi tích cực giải quyết vấn đề người di cư vào châu Âu ảnh 1Hải quân Italy đã phối hợp với Hải quân Anh và Ireland cứu hơn 2.900 người Bắc Phi đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải tìm đường tới Italy.

Ngày 5/8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU cùng nhau giúp đỡ làn sóng người nhập cư đang đổ về châu lục này thay vì tìm cách đưa họ trở về quê hương.

Ông Juncker đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh tại cuộc họp diễn ra ngày 20/7 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tư pháp và vấn đề nhà ở của các quốc gia thành viên EU nhất trí tiếp nhận chỉ 32.250 người nhập cư từ Syria, Eritrea, Iraq và Somalia, thấp hơn so với mục tiêu 40.000 người mà EU cam kết hồi tháng Sáu.

Chủ tịch EC nhấn mạnh do các nước thành viên EU không nhất trí được về hạn ngạch phân bổ nên EC buộc phải tìm kiếm thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, nhằm từ nay cho đến mùa Thu tới đảm bảo con số 40.000 người mà EU đã cam kết.

Dẫu đưa ra hai lựa chọn hoặc hạn ngạch hoặc tự nguyện, Chủ tịch EC vẫn mong muốn các nước sẽ phản ứng tích cực hơn.

EU hiện đang tích cực giải quyết vấn đề người di cư - những người gặp rất nhiều rủi ro trên đường di cư, sau đó lại có nguy cơ không được nước đến tiếp nhận hoặc chuyển tiếp.

Theo con số của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), chỉ trong năm 2015, đã có khoảng 2.000 người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải. Gần đây nhất, hàng nghìn người di cư đã tập trung tại đường hầm Channel qua eo biển Manche nối Anh và Pháp, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng cũng như khiến quan hệ giữa London và Paris trở nên căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.