EU không thu hẹp được bất đồng giữa các nước Đông-Tây

Các nhà lãnh đạo EU đã không thu hẹp được bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, vốn là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên trong suốt hơn một năm qua.
EU không thu hẹp được bất đồng giữa các nước Đông-Tây ảnh 1Người di cư tại căn cứ hải quân ở Tripoli, Libya sau khi được cứu trên biển. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã không thu hẹp được bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, vốn là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên trong suốt hơn một năm qua.

Trong hơn 2 giờ thảo luận gay gắt, lãnh đạo các nước EU ở Đông Âu vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch người di cư, được đa số các nước thành viên EU thông qua năm 2015 nhằm thể hiện tình đoàn kết với các nước "tuyến đầu" tiếp nhận người di cư như Hy Lạp và Italy. Các nhà lãnh đạo chỉ đạt được đồng thuận rộng rãi trong việc tăng cường đường biên giới ngoài EU thông qua các thỏa thuận hợp tác với một số nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc thảo luận, Thủ tướng Đức Angela Merkel, với tư cách là nước chủ trì hội nghị, cho rằng không thể chỉ tồn tại sự thống nhất giữa các nước ngoài EU, mà sự đoàn kết phải đạt được trong cả nội bộ. Bà khẳng định: "Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm" và nhiệm vụ cần thiết nhất là phải tiếp tục hợp tác nhằm đạt được sự thống nhất về quy định mới đối với quy chế cho người tị nạn trước thời hạn chót đặt ra là tháng 6/2018.

Trước đó, trong lá thư gửi các lãnh đạo EU trước thềm hội nghị kéo dài hai ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã khiến một số nước thành viên "nổi giận" khi nói rằng chương trình tái phân bổ người di cư giữa các nước EU được nhất trí trước đó là "không hiệu quả" và "vô cùng gây chia rẽ."

Một số quốc gia Đông Ấu như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc ủng hộ quan điểm của ông Tusk, song Đức và một số nước Tây Âu cho rằng hạn ngạch phân bổ người di cư là cách cần thiết thể hiện tình đoàn kết của châu Âu.

[Mâu thuẫn lên cao trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU]

Kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư được thông qua nhằm giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italy đã gây bất đồng lớn giữa các nước Đông-Tây Âu. Kể từ đó, EU vẫn bế tắc trong các kế hoạch về một cơ chế lâu dài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Các nước Đông Âu đưa ra lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này. Ngày 7/12, EU đã kiện Séc, Hungary và Ba Lan lên Tòa án tối cao của khối liên quan tới việc ba nước này từ chối tiếp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn.

Estonia, nước chủ tịch luân phiên EU hiện tại, đề xuất áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc vào thời điểm dòng người di cư gia tăng đột biến, song linh hoạt hơn bằng cách cho phép nước gửi và nhận người di cư được thỏa thuận với nhau về địa điểm phân bổ. Tuy nhiên, sáng kiến này đã ngay lập tức bị nhiều thành viên EU bác bỏ.

Ủy ban châu Âu đề nghị áp dụng cơ chế phân bổ bắt buộc vào thời điểm di cư ồ ạt song dựa vào quy chế hỗ trợ tự nguyện trong những trường hợp ít khẩn cấp hơn. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu muốn tiến hành phân bổ bắt buộc trong mọi trường hợp, không phụ thuộc vào áp lực của dòng người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.