Trong thời gian tới, Hy Lạp có thể sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm soát nguồn vốn nhằm ngăn chặn làn sóng rút tiền khỏi Hy Lạp.
Đây cũng là gói biện pháp mà các ngân hàng Cyprus đã phải thực hiện trước đây nhằm cứu vãn hệ thống ngân hàng.
Dẫn phát biểu của ông Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), kiêm Bộ trưởng Tài chính Hà Lan với Đài truyền hình Hà Lan RTL Niews, trang thông tin điện tử chuyên về tình hình Liên minh châu Âu EUObserver cho biết "áp lực lên Hy Lạp đang ngày càng gia tăng" và "lượng tiền mặt đang giảm đi từng ngày."
Tuy nhiên ông Jeroen Dijsselbloem cũng nói thêm rằng các chính trị gia EU đã cân nhắc với sự thận trọng các kịch bản khác nhau đối với Hy Lạp và tình huống "không nhất thiết Hy Lạp sẽ phải rời Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)."
Trước đây, vào tháng 3/2014, Cộng hòa Cyprus, một quốc gia có quan hệ mật thiết với Hy Lạp và cũng là thành viên của Eurozone, là quốc gia đầu tiên đã bị Ủy ban châu Âu (EC) buộc phải thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn để tránh việc người gửi tiền đổ xô đến ngân hàng rút tiền do có khoản cứu trợ trị giá 10 tỷ euro của EU.
Vào thời gian đó, Chính phủ Cyprus đã đặt ra một số biện pháp kiểm soát, hạn chế việc chuyển và rút tiền, bao gồm cả tiền mặt rút ra hàng ngày không quá 300 euro; tạm đóng cửa một số ngân hàng.
Hiện nay, rất nhiều biện pháp trong số này hiện vẫn còn đang còn hiệu lực tại Cộng hòa Cyprus. Nhờ vào các biện pháp nêu trên, cho đến nay Cyprus vẫn là thành viên Eurozone. Iceland cũng từng thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn trong suốt 7 năm, kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008.
Phản ứng trước các tuyên bố nêu trên, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis nhấn mạnh rằng ông Dijsselbloem nên thực hiện đúng chức trách được giao trong khuôn khổ Eurozone.
Tuy nhiên, EUObserver đánh giá rằng các nhận định về biện pháp tài chính mà ông Dijsselbloem nêu ra đối với Hy Lạp sẽ có thể hạn chế dòng tiền gửi chảy ra khỏi các ngân hàng Hy Lạp.
Chỉ trong tháng 1/2015, đã có khoảng 12 tỷ euro tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp. Ước tính một lượng tiền tương tự cũng được rút trong tháng Hai đã khiến tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp giảm xuống mức kỷ lục kể từ năm 2005 do người gửi lo sợ rằng chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ không thể đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ dành cho Hy Lạp.
Sự tồn tại của hệ thống các ngân hàng Hy Lạp hiện càng ngày càng phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sau khi các ngân hàng Hy Lạp được được phép tiếp cận các khoản vay ưu đãi có dùng trái phiếu chính phủ và các tài sản được chính phủ bảo lãnh.
Tổng cộng cho đến nay ECB đã hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp số tiền trị giá 80 tỷ euro./.