Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson ngày 28/3 cho biết những người Ukraine sơ tán sang Ba Lan nên được "khuyến khích" đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác ít chịu áp lực hơn.
Phát biểu tại cuộc họp bất thường bộ trưởng nội vụ 27 quốc gia EU ở Brussels, bà Ylva Johansson nhấn mạnh điều quan trọng là phải khuyến khích những người di cư Ukraine rời khỏi Ba Lan và cố gắng đến các quốc gia thành viên khác, nếu không tình hình sẽ không thể cứu vãn được.
Hạn ngạch cho việc phân bổ người tị nạn như đã được quyết định trong cuộc khủng hoảng 2015-2016 không có trong chương trình nghị sự và các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên để giải tỏa áp lực cho các nước giáp biên giới với Ukraine là trên cơ sở tự nguyện, thông qua một nền tảng đoàn kết. Theo đó, các quốc gia trình bày năng lực tiếp nhận của mình.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong số 3,8 triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, gần 2,3 triệu người đã đến Ba Lan.
[7 quốc gia châu Âu đề nghị công dân không tham chiến ở Ukraine]
Hiện nay, số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, số lượng người di cư đến EU đã chậm lại, hiện ở mức khoảng 50.000 người mỗi ngày, so với 200.000 lượt vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc sơ tán. '
Theo EC, các quốc gia hiện đang chịu nhiều áp lực nhất về mặt tiếp nhận người tị nạn là Ba Lan, tiếp theo là Áo và CH Séc.
Kể từ đầu tháng 3, những người rời khỏi Ukraine đã có thể được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời ở EU trong tối đa 3 năm, cho phép họ có nhà ở, tiếp cận thị trường lao động, hệ thống giáo dục, an sinh xã hội và y tế, theo chỉ thị ban hành năm 2001 và đây là lần đầu tiên được sử dụng.
Đức và Ba Lan đã đề nghị bất kỳ người nào được hưởng quyền bảo vệ tạm thời đều có thể được hưởng khoản hỗ trợ 1.000 euro trong 6 tháng, trước khi có đánh giá mới về biện pháp này.
Trong khi đó, EC đã đề xuất cung cấp tới 17 tỷ euro - một phần trong số đó đến từ các quỹ ngân sách chưa sử dụng từ giai đoạn 2014-2020 - cho các quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất.
EC cũng đưa ra một nền tảng đăng ký duy nhất để tất cả 27 quốc gia thành viên đều nắm được ai được đăng ký theo chế độ bảo vệ tạm thời và ở quốc gia nào, vì hiện tại EU vẫn chưa có cơ sở dữ liệu chung về vấn đề này.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cũng nhấn mạnh các vấn đề an ninh liên quan đến cuộc xung đột.
EU lo ngại về nguy cơ nạn buôn người và bóc lột tình dục, vì phần lớn người tị nạn là phụ nữ và trẻ em. Ông Darmanin cũng cảnh báo về nguy cơ buôn bán vũ khí.
Ông nhấn mạnh cần đảm bảo sau xung đột, châu Âu sẽ không gặp những khó khăn giống như những gì họ có thể gặp phải, đặc biệt là ở Balkan, có nghĩa là việc lưu thông các loại vũ khí rất quan trọng sau đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu./.