Ngày 27/4, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo việc Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế của Liên hợp quốc sẽ cản trở cuộc chiến chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố quyết định của nước Mỹ sẽ không giúp gì cho các nỗ lực khuyến khích sự minh bạch trong hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế cũng như việc ngăn chặn vấn nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
Bà Mogherini cho biết EU sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí lớn, nhanh chóng tham gia Hiệp ước Buôn bán vũ khí Liên hợp quốc.
Bà Mogherini cho biết EU đã coi hiệp ước này là chìa khóa để góp phần vào các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định chung. Toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đã tham gia Hiệp ước và quyết tâm theo đuổi các mục tiêu, nỗ lực để phê chuẩn cũng như thực thi Hiệp ước.
[Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế Liên hợp quốc]
Ngày 26/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ ngừng phê chuẩn Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế Liên hợp quốc (UNATT) và sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này khi cho rằng Hiệp ước này là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ.
Thông báo của ông Trump được đưa ra tại một hội nghị thường niên của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) tổ chức tại Indianapolis, bang Indiana. Tổng thống Trump cũng cho biết Liên hợp quốc sẽ sớm nhận được thông báo chính thức về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này
UNATT được thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/4/2013, đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường.
Cho đến nay, 101 quốc gia đã chính thức tham gia hiệp ước. Mỹ, cường quốc xuất khẩu vũ khí số một thế giới, dưới thời của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã ký kết hiệp ước này bất chấp sự phản đối của NRA và các nhóm bảo thủ khác khi cho rằng hiệp ước này làm suy yếu quyền sử dụng súng ở trong nước./.