EU nêu điều kiện chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga

Lãnh đạo 28 nước EU quyết định duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ukraine được thực hiện đầy đủ.
EU nêu điều kiện chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) bắt tay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) tại Hội nghị Minsk tháng Hai vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo 28 nước Liên minh châu Âu (EU) quyết định duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ukraine được thực hiện đầy đủ.

Theo đánh giá của Chủ tịch EU Donald Tusk, như vậy biện pháp trừng phạt sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay, thời hạn dự kiến các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.

Trong tuyên bố chung sau ngày họp thượng đỉnh đầu tiên 19/3, EU không quyết định gia hạn biện pháp trừng phạt Nga do cáo buộc Moskva liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, mà gắn thời hạn trừng phạt với tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk.

Việc gia hạn nếu có không được áp dụng tự động khi đến hạn, mà phải được bàn bạc vào tháng Sáu tới sau khi phân tích tình hình tại khu vực xung đột ở Ukraine.

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn một quan chức châu Âu tuyên bố trên là tín hiệu chính trị thể hiện thái độ kiên quyết của EU trong thực hiện thỏa thuận Minsk, tuy nhiên không mang tính chất dự báo về các quyết định của các cuộc gặp thượng đỉnh sau này.

Liên quan đến tình hình Ukraine, Hội nghị thượng đỉnh EU kêu gọi các bên xung đột thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk.

EU tuyên bố sẵn sàng ủng hộ quá trình này, cụ thể là ủng hộ phái bộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thực hiện vai trò quan sát và kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận trên.

Ngoài ra, các lãnh đạo EU cũng khuyến nghị nên khẩn cấp thông qua gói hộ trợ tài chính lớn thứ ba trị giá 1,8 tỷ euro cho Ukraine.

Gói biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang áp đặt đối với Nga hiện nay sẽ hết hạn vào tháng Bảy tới.

Từ tháng 8/2014, Nga cũng áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm lương thực thực phẩm của phương Tây. Các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã khiến cả hai bên chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

Ngày 18/3, đại diện của EU xác nhận nhiều nước châu Âu phản đối chính sách trừng phạt Nga trong vấn đề Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.