EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra

Các bộ trưởng EU khẳng định họ sẽ xem xét lại những quy định của khối để kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số trong khuôn khổ một kế hoạch toàn cầu.
EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra ảnh 1EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra. (Ảnh: Getty)

Ngày 5/12, các Bộ trưởng tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhất trí không cấp phép lưu hành các đồng tiền kỹ thuật số của các công ty tư nhân như đồng Libra của Facebook, chừng nào những rủi ro mà các đồng tiền này đặt ra được giải quyết triệt để.

Trong một tuyên bố chung, các Bộ trưởng tài chính EU cho rằng không nên phát hành tiền điện tử dạng stablecoin (đồng tiền ổn định) ở EU chừng nào những thách thức và rủi ro về pháp lý, quy định và giám sát "chưa được xác định và giải quyết thỏa đáng".

Stablecoin là những đồng tiền số như Libra của Facebook, vốn được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ từ USD tới euro và các tài sản khác để chống lại sự biến động mạnh và thiếu ổn định về giá trên thị trường tiền điện tử.

Các bộ trưởng EU cũng khẳng định họ sẽ xem xét lại những quy định của khối để kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số trong khuôn khổ một kế hoạch toàn cầu. 

[Pháp kêu gọi phát triển đồng tiền số của EU từ năm 2020]

Facebook hồi tháng 6 vừa qua công bố kế hoạch phát hành đồng tiền số Libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị thực tế cao hơn so với Bitcoin hay các đồng tiền ảo khác.

Facebook tin tưởng Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định, lưu hành trên các điện thoại thông minh và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp và giới chức quản lý tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới đã lập tức bày tỏ quan ngại về tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu khi hơn 2 tỷ người dùng Facebook có thể sử dụng đồng tiền này. 

Lo ngại trước những tác động tiềm ẩn của các đồng tiền số mới, các chính phủ châu Âu đang lên kế hoạch cho ra đời một đồng tiền số chung của EU, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đồng Libra cũng như các đồng tiền điện tử khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.