Ngày 10/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang phạm những sai lầm nghiêm trọng trong phản ứng về vụ đảo chính bất thành trung tuần tháng 7 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và nếu liên minh này "để mất" Ankara, thì đó là do chính họ gây ra chứ không phải vì mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, Trung Quốc hoặc thế giới Hồi giáo.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anadolu, Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga không được coi như một thông điệp dành cho EU. Ông cho biết tỷ lệ ủng hộ gia nhập EU ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống do thái độ đồng tình của Brussels đối với những kẻ tiến hành vụ đảo chính bất thành.
Trước đó, ngày 8/8, trả lời phỏng vấn của hãng tin Nga (TASS), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan tuyên bố EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và "đánh lừa" Ankara suốt 53 năm qua.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chân thành của mình và chờ đợi điều tương tự từ EU. Tuy nhiên, EU trong suốt thời gian qua đã "lừa phỉnh" Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng Brussels cần từ bỏ chính sách "tiêu chuẩn kép" của mình.
Thời gian gần đây, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU không được êm ấm. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ một số nước phương Tây, trong đó có các nước thành viên EU, có liên quan tới vụ đảo chính ngày 15/7 vừa qua tại nước này.
Ankara tuyên bố đã không có lãnh đạo một nước EU nào bày tỏ chia sẻ với Thổ Nhĩ Kỳ sau chính biến vừa qua, trong khi lại chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về những biện pháp mà nước này áp đặt sau vụ chính biến, bao gồm cả việc ban bố tình trạng khẩn cấp.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng yêu cầu EU đưa ra các quyết định về quy chế miễn thị thực cho công dân nước này trong khoảng tháng 9-10/2016. Trong trường hợp ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đơn phương ngừng thực hiện thỏa thuận với EU về người di cư.
Về phần mình, EU nhiều lần bày tỏ lo ngại về các vụ bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau chính biến cũng như kế hoạch của Ankara xử lý những đối tượng này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập EU dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí mọi cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu Ankara tái áp dụng án tử hình đối với các đối tượng bị nước này bắt giữ sau cuộc đảo chính ngày 15/7.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bỏ án tử hình vào năm 2004 như một biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên của EU. Tuy nhiên, sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội./.