Các nhà quản lý mạng xã hội Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube vẫn chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ người dân châu Âu trước nạn kích động thù hận và bạo lực trên mạng.
Ngày 6/12, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề pháp lý, người tiêu dùng và bình đẳng giới Vera Jourova đã đưa ra bình luận trên trong bối cảnh sức lan tỏa của mạng xã hội tác động mạnh mẽ cuộc sống của người dân châu Âu.
Trong tuyên bố đưa ra tại Brussels (Bỉ), bà Vera Jourova khẳng định các nhà quản lý mạng xã hội trên vẫn đang nỗ lực bảo vệ cư dân mạng trước những thông tin kích động thù hận bạo lực, song hiệu quả chưa cao, hay nói cách khác các công ty này cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được thành công.
Bà nhấn mạnh các nhà quản lý mạng xã hội cần nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc kiểm soát các thông tin, phát ngôn giả mạo, cực đoan hóa và có khả năng kích động thù hận.
Hồi tháng 5/2016, cả 4 nhà quản lý mạng xã hội Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube đã ký một bộ quy tắc ứng xử với Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống lại các phát ngôn gây thù hận trên mạng, theo đó cam kết trong 24 giờ xét duyệt lại những thông báo về phát ngôn tiềm ẩn nội dung gây thù hận.
Tuy nhiên, trong một báo cáo ngày 6/12, bà Vera Jourova cho biết trong tổng số 600 thông báo tiềm ẩn nguy cơ, vốn được một nhóm gồm 12 tổ chức phi chính phủ của 9 quốc gia phân tích và chọn lọc từ tất cả các thông báo phản hồi trên mạng trong thời gian 6 tuần, sau đó gửi đến 4 nhà quản lý mạng xã hội, chỉ có 28% các thông báo được xử lý gỡ bỏ, và 40% các thông báo được xử lý trong 24 giờ. Trong khi đó, có tới 43% các thông báo được xét duyệt trong 48 giờ.
Báo cáo ghi nhận Youtube là trang mạng xã hội hoạt động hiệu quả nhất trong việc xét duyệt lại và gỡ bỏ các thông báo về thông tin phản hồi có nội dung kích động trên mạng trong thời gian 24 giờ.
Cụ thể, Youtube xét duyệt lại hơn 60% các thông báo và gỡ bỏ 48%. Tỷ lệ này ở Facebook là 50% và 28%, ở Twitter là 23% và 19%. Microsofft không nhận được bất cứ thông báo nào./.