EU tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch tấn công vào Syria

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels nhấn mạnh: "EC tiếp tục hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự, rút các lực lượng của họ và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế."
Khói bốc lên tại thành phố Ras al-Ain, miền Bắc Syria sau các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP đưa tin, ngày 18/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhắc lại lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch tấn công vào các lực lượng người Kurd ở Syria và rút quân sau khi Ankara tuyên bố tạm dừng chiến dịch này.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels nhấn mạnh: “Hội đồng châu Âu (EC) lưu ý về tuyên bố Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm nay về việc tạm dừng tất cả các hoạt động quân sự. EC tiếp tục hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự, rút các lực lượng của họ và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.”

Cùng với EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hoạt động quân sự của nước này ở Syria.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội liên bang, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các chiến dịch tân công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực miền Bắc Syria không chỉ mang lại sự đau khổ cho người dân quốc gia Trung Đông này mà còn dẫn tới một thảm họa nhân đạo với những hậu quả địa chính trị lớn.

[Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về tạm ngừng bắn tại Syria]

Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ gây ra bất an mới cho cả hai khu vực Trung Đông và châu Âu về tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bà Merkel cảnh báo những thắng lợi giành được trước đây trong cuộc chiến chống IS rất có thể sẽ bị "vô hiệu hóa" một lần nữa.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria không thể giành được bằng sức mạnh quân sự mà bằng con đường ngoại giao.

Cũng trong phát biểu của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định mối quan hệ phức tạp giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ do Thổ Nhĩ Kỳ không những là một nước láng giềng châu Âu mà còn là một đối tác trong Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bà cũng một lần nữa khẳng định trong tình hình hiện tại, Chính phủ Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ sự hài lòng khi các đối tác châu Âu của Đức cùng chia sẻ quan điểm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục