Ngày 17/7, truyền thông địa phương đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai một cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ các công ty châu Âu tại Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu sau một cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên EU, đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết: “Chúng tôi đã thông qua cơ chế phong tỏa (các lệnh cấm vận của Mỹ) và sẽ làm tất cả các biện pháp có thể để cho phép Iran hưởng các lợi ích kinh tế tương tự như việc gỡ bỏ trừng phạt”. Bà Mogherini thừa nhận việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ là rất khó khăn do "vị thế của nước này trong nền kinh tế thế giới."
Những nỗ lực của EU do đó sẽ không thể đảm bảo đáp ứng đủ các đòi hỏi của tình hình, nhưng khối "sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran, bởi những hệ lụy của nó sẽ là thảm họa đối với tất cả chúng ta."
[Iran tuyên bố không chấp nhận “xuống nước” để đàm phán với Mỹ]
Cơ chế phong tỏa của EU sẽ được áp dụng từ ngày 6/8 tới, trùng với thời điểm áp dụng các lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran. Quy định phong tỏa của EU được thiết lập từ năm 1996 cho phép bảo vệ các doanh nghiệp và cá nhân trên thế giới trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, dựa trên nguyên tắc các thực thể này nằm ngoài lãnh thổ thuộc quyền tài phán của luật pháp Mỹ. Tuy nhiên, một số các doanh nghiệp lớn của châu Âu như tập đoàn dầu khí Total của Pháp đã quyết định vẫn sẽ rời khỏi Iran trừ khi nhận được quyền miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, ngày 16/7, EU đã bác yêu cầu của Mỹ cô lập kinh tế của Iran. Bà Mogherini cho biết các nước châu Âu đã thông qua việc triển khai một công cụ pháp lý nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Iran./.