Ngày 9/6, Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ đề xuất điều chỉnh một cơ chế của Liên hợp quốc nhằm truy dấu lượng phát thải khí CO2 của ngành hàng không.
Dù được các hãng hàng không ủng hộ, nhưng động thái này lại vấp phải sự chỉ trích từ giới hoạt động môi trường khi họ cho rằng các hãng hàng không sẽ được tự do gây ô nhiễm trong nhiều năm tới.
Do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nước phải ban bố lệnh hạn chế đi lại, hầu hết đội máy bay của các hãng hàng không trên thế giới đều phải "nằm đắp chiếu" tại bãi đỗ.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng lượng phát thải khí CO2 của ngành hàng không giảm đáng kể. Trong bối cảnh đó, nhiều hãng hàng không muốn điều chỉnh Cơ chế giảm và bù đắp phát thải carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA).
CORSIA là cơ chế của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc, được xây dựng nhằm giới hạn lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế.
Theo cơ chế này, từ năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải mua tín dụng carbon để bù đắp phần chênh lệch nếu lượng phát thải khí CO2 từ các chuyến bay quốc tế cao hơn mức chuẩn phát thải trung bình của hai năm 2019 và 2020.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) muốn được áp dụng mức chuẩn là trung bình của năm 2019 vì lượng phát thải khí CO2 của ngành hàng không trong năm 2020 đã thấp hơn dự kiến do dịch COVID-19.
[Lấy ý kiến về giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay]
Ngày 9/6, 27 nước thành viên EU đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này. Phát biểu sau cuộc họp của EU, Bộ trưởng Giao thông Croatia Oleg Butkovic cho biết quyết định áp mức giới hạn chuẩn này có vai trò quan trọng để duy trì lượng khí phát thải tương đương mức mục tiêu đề ra trong kế hoạch hạn chế phát thải từ ngành hàng không.
Sự thay đổi quy định phản ánh những "tình huống đặc biệt khó khăn" mà ngành hàng không trải qua trong thời gian đại dịch.
Ngoài EU, Mỹ cũng ủng hộ thay đổi mức chuẩn của CORSIA theo mức của năm 2019. Hội đồng quản trị của ICAO sẽ họp từ ngày 8-26/6 tới để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Nếu các quy định của CORSIA không thay đổi, các hãng hàng không lo ngại khi hoạt động giao thông phục hồi, chi phí để cân bằng mức chênh lệch sẽ cao hơn dự kiến. IATA cho rằng việc áp dụng mức chuẩn theo năm 2019 sẽ giúp các hãng hàng không tránh được khoản chi phí khoảng 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và giới hoạt động môi trường cho rằng nếu thay đổi, các hãng hàng không sẽ được hưởng lợi khi tránh được một khoản nghĩa vụ đáng kể./.