Ngày 3/8, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini khẳng định liên minh sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của Nga và Mỹ nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán về cuộc xung đột Sirya.
Theo bà Mogerini, tình hình tại Sirya đang dần xấu đi, EU - với tư cách là thành viên tích cực của Nhóm Hỗ trợ quốc tế về Syria - ủng hộ những hoạt động của Nga và Mỹ hướng tới tạo điều kiện thuận lợi để tái khởi động các vòng đàm phán hòa bình.
Trong tuyên bố của mình, quan chức Brussels nêu rõ EU sẽ chuyển những lời kêu gọi của hai cường quốc trên tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đưa ra những đề nghị nhằm tìm ra một giải pháp chính trị phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các bên liên quan tại Sirya.
Vòng đàm phán gần đây nhất về cuộc khủng hoảng Syria với vai trò trung gian của Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura đã diễn ra hồi tháng Tư vừa qua tại Thụy Sĩ.
Đến nay, các bên vẫn chưa thể nối lại đối thoại, trong khi tình trạng bạo lực bùng phát tại một số khu vực của Syria, đặc biệt là tại các vùng xung quanh thành phố Aleppo, khiến thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên có hiệu lực tại Syria từ ngày 27/2 vừa qua đang bị đe dọa.
Ông de Mistura cân nhắc nối lại các cuộc đàm phán giữa chính phủ Damacus và phe đối lập vào tháng Tám này.
Ước tính hơn 400.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Syria vào tháng 3/2011.
Trong một diễn biến, ngày 3/8, hãng tin Interfax dẫn lời một Tướng Nga cho biết quân đội nước này đã thông báo với Mỹ rằng lực lượng phiến quân tại thành phố Aleppo của Syria đã phát động một cuộc tấn công bằng chất độc tối 2/8.
Giám đốc Trung tâm Nga về hòa giải các bên thù địch tại Syria, Trung tướng Sergey Chvarkov cho biết vụ tấn công khiến 7 người thiệt mạng, 23 người có triệu chứng ngạt thở và bỏng đường hô hấp đã được chuyển tới bệnh viện.
Vụ tấn công sử dụng vũ khí có chất độc xảy ra tại quận Salah al-Din, phía Đông Aleppo, nơi nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm “Harakat Nur al-Din al-Zenki" - vốn được Mỹ coi là lực lượng "đối lập ôn hòa"./.