Ngày 5/3, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại "bất đồng nghiêm trọng" giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai.
Trao đổi với báo giới sau vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit, ông Barnier nêu rõ: "Một thỏa thuận vẫn khả thi, dù cho rất khó khăn."
Tuy nhiên, ông thừa nhận hai bên vẫn tồn tại bất đồng xung quanh những điều khoản về một “sân chơi công bằng” nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty EU và Anh thời hậu Brexit.
Một điểm bất đồng nữa là Anh muốn thỏa thuận riêng biệt về việc xem xét phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên mỗi năm, điều mà ông Barnier cho rằng phi thực tế và bất khả thi.
Tiến trình đàm phán về một thỏa thuận mới giữa EU và Anh diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời khỏi EU và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Trước khi bước vào đàm phán, hai bên hầu như chưa đạt được nhận thức chung trong các vấn đề then chốt, đặc biệt là hai chủ đề được đánh giá là gai góc nhất là "sân chơi công bằng" và đánh bắt cá.
[Anh và EU bộc lộ mâu thuẫn về thỏa thuận thương mại hậu Brexit]
Trong vấn đề thương mại, EU muốn có một “sân chơi công bằng” để ngăn chặn việc Anh cắt giảm những tiêu chuẩn của khối này về lao động, thuế, môi trường và trợ cấp nhà nước. Trong khi đó, Anh kiên quyết đặt ra những quy định của riêng mình với lý do “sự độc lập về chính trị và kinh tế."
Trong lĩnh vực nghề cá, phía EU muốn giữ nguyên trạng các quy định hiện nay, theo đó ngư dân của ít nhất tám quốc gia EU có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể.
Tuy nhiên, phía Anh phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa EU và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên. Anh cũng muốn tách vấn đề nghề cá ra khỏi thỏa thuận thương mại.
Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng. Trong trường hợp này, cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là Anh và Ireland, thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với Vương quốc Anh.
Theo tính toán của các chuyên gia từ Liên hợp quốc, nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU, nước Anh sẽ mất đến 29 tỷ euro (32 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu mỗi năm, khi EU là điểm đến của gần một nửa hàng xuất khẩu từ Anh./.