EU và Google muốn thiết lập các quy tắc tự nguyện về kiểm soát AI

EU và Mỹ có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác về AI để thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu trước khi luật kiểm soát AI ra đời, trong bối cảnh vấn đề này đã trở nên cấp bách hơn kể từ sau sự ra đời của ChatGPT.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Brecorder)

Liên minh châu Âu (EU) và công ty Google muốn thiết lập các quy tắc tự nguyện về kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình chờ đợi EU ban hành luật về công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Giám đốc điều hành (CEO) của Google  Sundar Pichai tại Brussels, Ủy viên phụ trách kỹ thuật số của EU - ông Thierry Breton cho biết: "Chúng tôi cùng nhất trí rằng không thể đợi đến lúc luật AI có hiệu lực và cần phối hợp với tất cả các nhà phát triển AI để đưa ra một thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện."

EU muốn trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới áp dụng khung pháp lý toàn diện để kiểm soát các rủi ro đi kèm với việc triển khai AI.

Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã lần đầu tiên đề xuất một dự luật đầy tham vọng nhằm kiểm soát AI. Nghị viện châu Âu (EP) sẽ xem xét thông qua dự thảo luật này vào tháng tới, trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu với 27 quốc gia thành viên của EU để thống nhất về phiên bản cuối cùng.

[Mỹ lấy ý kiến người lao động về phương thức sử dụng trí tuệ nhân tạo]

Theo Ủy viên Thierry Breton, nếu dự luật này được thông qua trước cuối năm nay, thì sẽ có thể ban hành luật và có hiệu lực sớm nhất là vào cuối năm 2025.

EU và Mỹ có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác về AI để thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu trước khi luật kiểm soát AI ra đời, trong bối cảnh vấn đề này đã trở nên cấp bách hơn kể từ sau sự ra đời của ChatGPT - một chatbot do công ty OpenAI (Mỹ) phát triển.

Trên thực tế, danh sách những rủi ro trong quá trình ứng dụng AI ngày càng được nối dài, từ thông tin sai lệch cho đến bản quyền đối với hình ảnh, âm thanh và văn bản.

Theo ông Breton, ông muốn thu hút "một số lượng lớn các doanh nghiệp, dù họ hoạt động tại châu Âu hay ngoài châu Âu" để thảo luận về các quy tắc trên tinh thần tự nguyện. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã thấy một số quy tắc chung. Nhiều thứ có thể được thực hiện mà không cần thông qua luật."

Một trong những ví dụ ông đưa ra là việc đảm bảo rằng những hình ảnh do AI tạo ra phải được gắn nhãn xác minh. Ngoài ra, ông cũng đề cập những chi tiết được đưa vào dự thảo luật hiện nay như việc cấm giám sát sinh trắc học hay nhận dạng cảm xúc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục