ChatGPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ khả năng tạo ra nội dung giống con người và cung cấp câu trả lời cho mọi chủ đề, hiện đã có tại cửa hàng ứng dụng Apple (App Store).
OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT, ngày 18/5 cho biết việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo này được đưa vào cửa hàng của "Quả táo" sau khi nhận được phản hồi từ người dùng rằng họ "thích sử dụng ChatGPT khi đang di chuyển."
OpenAI đang tiếp tục lấn sân sang thị trường tìm kiếm, do Google thống trị, vốn đã chịu áp lực bởi sự gia tăng của AI tổng hợp.
Theo thông báo của OpenAI, người dùng có thể tải ứng dụng này miễn phí và ứng dụng này sẽ cho phép người dùng "lấy thông tin chính xác mà không cần chọn lọc qua quảng cáo hoặc nhiều kết quả" - điều mà người sử dụng gặp phải khi sử dụng thanh công cụ tìm kiếm Google.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng có thể đưa ra hướng dẫn về nấu ăn, kế hoạch du lịch hoặc soạn thảo các thông điệp.
OpenAI cho biết họ bắt đầu triển khai ứng dụng này tại Mỹ và sẽ mở rộng sang các quốc gia khác trong vài tuần tới. ChatGPT sẽ sớm khả dụng trên các thiết bị Android.
ChatGPT hiện có sẵn trên điện thoại thông minh, thông qua ứng dụng tìm kiếm Bing của Microsoft, sử dụng công nghệ từ OpenAI.
["Cha đẻ" của ChatGPT: Trí tuệ nhân tạo cần được chính phủ kiểm soát]
ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát.
ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt trên Internet chỉ sau một đêm khi ra mắt vào tháng 11/2022. Nó thu hút sự chú ý nhờ khả năng hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát các câu hỏi trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Kết quả là chatbot này đã thu hút hơn 1 triệu người dùng trong tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt.
Giới phân tích chỉ ra rằng ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng câu trả lời phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học (bị hạn chế tới năm 2021), chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời, chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai. Ngoài ra, chatbot này cũng bị chê vì mức độ cảm xúc và sáng tạo còn hạn chế.
Hạn chế lớn nhất của ChatGPT là nó có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
Dù tồn tại những nhược điểm nêu trên, ChatGPT vẫn được ca ngợi là một sản phẩm AI đột phá, đe dọa phá vỡ các thị trường khác nhau, từ giáo dục và truyền thông cho đến công cụ tìm kiếm của Google./.