Ngày 2/1, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo nước này và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Kiev vào ngày 3/2 tới để thảo luận về sự hỗ trợ của Brussels cho quốc gia Đông Âu này, trong đó có lĩnh vực tài chính và quân sự.
Theo tuyên bố, trong cuộc điện đàm đầu tiên trong năm 2023 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận chi tiết về sự kiện sắp tới.
[Nga phản ứng về đề xuất của Ukraine tổ chức hội nghị hòa bình]
Hai bên đã trao đổi về kết quả dự kiến của cuộc gặp thượng đỉnh và nhất trí tăng cường công tác chuẩn bị cho sự kiện này.
Tổng thống Zelensky và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng thảo luận việc cung cấp các loại vũ khí "thích hợp" và chương trình hỗ trợ tài chính mới trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine, trong đó ông Zelensky thúc đẩy đợt giải ngân đầu tiên vào tháng này.
Tháng trước, các nước EU đã nhất trí về việc giải ngân khoản viện trợ 18 tỷ euro cho Ukraine và kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Cũng liên quan đến vấn đề Ukraine, ngày 2/1, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã kêu gọi đàm phán hòa bình về Ukraine, trong đó phía Áo đánh giá cao Ấn Độ trong vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo chung ở Vienna, Ngoại trưởng Áo Schallenberg nhấn mạnh: “Ấn Độ có vai trò lớn trong vấn đề này. Thủ tướng Narendra Modi vẫn là một trong số ít nhà lãnh đạo thường xuyên có các cuộc hội đàm với cả hai bên Nga và Ukraine... Chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ.”
Theo Ngoại trưởng Áo, "hòa bình có thể đạt được trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường” và cuộc xung đột ở Ukraine “không phải là ngoại lệ."
Về phần mình, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho biết Thủ tướng Modi đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi ông cũng có các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, nhấn mạnh lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Ấn Độ đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Theo kế hoạch, cùng ngày, Ngoại trưởng Ấn Độ gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Ông nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã khiến giá lương thực và nhiên liệu trên thế giới gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia đang phát triển./.