Europol cảnh báo tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa với EU

Theo báo cáo thường niên, Europol cho rằng hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của đại dịch COVID-19 có thể trở thành mối đe dọa an ninh trong những năm tới.
Europol cảnh báo tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa với EU ảnh 1Cảnh sát được triển khai tại hiện trường vụ bắt giữ con tin ở trung tâm thủ đô Amsterdam, Hà Lan, ngày 22/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/7, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết số vụ tấn công đã giảm nhưng tấn công khủng bố vẫn là mối đe dọa đối với Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn và hoạt động tuyên truyền trên Internet gia tăng trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo thường niên của Europol, số vụ tấn công thất bại, bị ngăn chặn hay thực hiện thành công trong năm 2021 tại EU là 15 vụ, thấp hơn nhiều so với 57 vụ trong năm trước đó. Tuy nhiên, Europol cho rằng hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của đại dịch COVID-19 có thể trở thành mối đe dọa an ninh trong những năm tới.

Giám đốc Europol, bà Catherine De Bolle nhận định tấn công khủng bố vẫn là mối nguy hiểm thực sự và hiện hữu đối với EU. Theo bà, trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, EU cần phải duy trì các biện pháp chống khủng bố vì những thay đổi địa chính trị và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tác động lâu dài đến an ninh của EU.

[Europol: Xung đột Ukraine có nguy cơ làm gia tăng tội phạm tại châu Âu]

Bà Catherine De Bolle cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã thu hút nhiều cá nhân có tư tưởng cực đoan từ các quốc gia thành viên EU và có thể gây ra những phản ứng bạo lực, đặc biệt là trên mạng Internet. Bà nhấn mạnh các quốc gia châu Âu cần rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ khi các tay súng trở về từ các chiến trường ở Trung Đông.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 khiến thanh niên và trẻ vị thành niên dễ bị cực đoan hóa vì các biện pháp giãn cách xã hội làm họ có nhiều thời gian sử dụng Internet hơn.

Theo Europol, một số quốc gia EU đã chứng kiến những hoạt động mang tính cực đoan chống chính phủ và chống COVID-19 nổi lên theo hướng đe dọa công khai và lời lẽ mang tính thù địch trên mạng Internet.

Theo Europol, trong năm 2021, 388 nghi phạm đã bị bắt giữ tại EU với cáo buộc liên quan đến khủng bố, trong đó 260 vụ bắt giữ được thực hiện sau các cuộc điều tra liên quan đến khủng bố thánh chiến ở Áo, Pháp và Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.