Eurostat: Lạm phát của EU tăng lên mức 2,3% trong tháng Năm

Eurostat cho biết, tỷ lệ lạm phát thấp nhất được ghi nhận là của Hy Lạp (-1,2%), Malta 0,2% và Bồ Đào Nha 0,5%. Tỷ lệ lạm phát cao nhất thuộc về Hungary với 5,3%, Ba Lan 4,6% và Luxembourg 4%.
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 17/6, lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2021, đạt mức 2,3%, so với mức tương ứng 2% trong tháng 4/2021.

Eurostat cho biết tỷ lệ lạm phát thấp nhất được ghi nhận là của Hy Lạp (-1,2%), Malta 0,2% và Bồ Đào Nha 0,5%. Tỷ lệ lạm phát cao nhất thuộc về Hungary với 5,3%, Ba Lan 4,6% và Luxembourg 4%.

Theo Eurostat, giá năng lượng tăng đột biến và việc có thêm nhiều dịch vụ đắt đỏ hơn đã thúc đẩy lạm phát giá tiêu dùng tại châu Âu.

Trong tháng Năm vừa qua, giá năng lượng tại châu Âu cộng thêm 1,19 điểm phần trăm so với số liệu của cùng kỳ năm 2020, còn giá dịch vụ tiến 0,45 điểm phần trăm, trong khi giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 0,15 điểm phần trăm.

[Eurostat: Kinh tế Eurozone suy giảm quý thứ hai liên tiếp]

Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát của Đức- nền kinh tế lớn nhất EU- trong tháng 5/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, do giá nhiên liệu tăng lên và những hiệu ứng chỉ xảy ra một lần liên quan đến đại dịch COVID-19.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis cho biết giá tiêu dùng tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi Đức phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19 và tăng khoảng 0,5% so với tháng 4/2021.

Lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm nay, chủ yếu do việc áp thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế bán hàng kéo dài 6 tháng nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.

Destatis cho biết mức tăng lạm phát đột biến trong tháng 5/2021 chủ yếu do giá năng lượng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng so với mức gần 8% trong tháng 4/2021, khi lạm phát tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm tại Đức cũng tăng 1,5%, còn lĩnh vực dịch vụ ghi nhận mức tăng 2,2%.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã nhiều lần nói rằng lạm phát cao hơn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần đây chủ yếu là do "các yếu tố tạm thời" liên quan đến đại dịch và sẽ không thúc giục ECB sớm thắt chặt chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Trong khi đó, nhà phân tích Elmar Voelker của ngân hàng LBBW nhận định lạm phát tăng vọt trong tháng 5/2021 "không phải là một điều bất ngờ" và tỷ lệ này có thể vượt mốc 3% vào mùa Hè, tới một mức độ mà người tiêu dùng có thể cảm nhận được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.