Báo cáo công bố ngày 24/6 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2014 giảm 16% so với năm trước đó, đạt 1,23 nghìn tỷ USD.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến FDI toàn cầu giảm là do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn, chính sách đầu tư không chắc chắn cùng hàng loạt rủi ro do căng thẳng địa chính trị tại nhiều nước.
Báo cáo cho biết tổng FDI tại các quốc gia phát triển cũng giảm 28% xuống còn 499 tỷ USD. Trong khi đó, luồng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 2%, đạt 681 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong tốp 10 quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới có 5 nước đang phát triển, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc.
Các chuyên gia UNCTAD dự báo tổng FDI toàn cầu năm 2015 có thể đạt 1,4 nghìn tỷ USD (tăng 11%) và hai năm kế tiếp đạt lần lượt 1,5 và 1,7 nghìn tỷ USD. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới năm 2007, FDI toàn cầu đã đạt con số 2 nghìn tỷ USD./.