Bà Christina Romer, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng từ năm 2009 đến 2010, nhận định nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khiến ngân hàng trung ương này khó tránh tình trạng tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết.
Bà nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ cần phải thay đổi chính sách về lãi suất trước khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn nếu muốn giảm lạm phát mà không gây ra nhiều "đau đớn" hơn mức cần thiết.
Sau khi nghiên cứu biên bản cuộc họp của Fed từ những năm 1940, bà Romer cho biết khi lãi suất tăng, tổng sản lượng kinh tế bắt đầu chậm lại khoảng 6 tháng sau đó. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng sau khoảng 5 tháng và tăng trung bình 1,6 điểm phần trăm sau 27 tháng, với tác động giảm dần sau 5 năm.
Theo biên bản cuộc họp chính sách được Fed công bố ngày 4/1, giới chức Ngân hàng Trung ương Mỹ không cho rằng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay là thích hợp khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Biên bản cuộc họp cho biết không có quan chức nào tham dự cuộc họp nhận định rằng năm 2023 là thời điểm phù hợp để bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang, mà cần duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi xu hướng lạm phát giảm một cách bền vững trở nên rõ ràng.
Các quan chức Fed cảnh báo rằng việc nới lỏng các điều kiện tài chính "không chính đáng," đặc biệt nếu do nhận thức sai lầm của công chúng, sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực ổn định giá cả.
Một số quan chức nhấn mạnh rằng cần hiểu rõ việc giảm tốc độ tăng lãi suất không phải là dấu hiệu của sự suy yếu trong quyết tâm chống lạm phát.
Biên bản cuộc họp cũng nêu rõ lạm phát tại Mỹ vẫn "dai dẳng và ở mức cao" và nước này cần đảm bảo duy trì một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững dù ở mức thấp.
Trong nhiều tháng qua, hoạt động chi tiêu được hỗ trợ nhờ thị trường lao động mạnh mẽ và các hộ gia đình tăng chi từ khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch COVID-19 và xu hướng này có thể tiếp tục trong tương lai.
Tuy nhiên, một số quan chức Fed lưu ý đến thực tế nhiều hộ gia đình thu nhập thấp đang phải đối mặt khó khăn về ngân sách chi tiêu và nhiều người tiêu dùng phải điều chỉnh chi tiêu sao cho bớt tốn kém hơn.
[CEO Citigroup: Fed sẽ tăng lãi suất lên gần 5,5% vào tháng 5 tới]
Các quan chức Fed đang cố gắng cân bằng giữa những dấu hiệu tích cực về việc lạm phát đang chậm lại với những lo ngại về một nền kinh tế mạnh sẽ thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn.
Với tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao, các quan chức Fed đã miễn cưỡng giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài và những tác động chưa thể hiện của việc tăng lãi suất sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái nếu Fed không giảm bớt áp lực lên nền kinh tế.
Điều quan trọng, các nhà hoạch định chính sách Fed cho rằng cần cân bằng giữa chính sách thắt chặt tiền tệ với sự cắt giảm không cần thiết trong hoạt động kinh tế, qua đó tránh cho nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội phải hứng chịu những gánh nặng lớn nhất.
Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 và đã đẩy nhanh tốc độ trong tháng 6/2022 lên mức tương đương với tốc độ thắt chặt nhanh chóng mà cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã áp dụng vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980.
Lãi suất của Fed hiện nằm trong khoảng 4,25-4,5% và các quan chức ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp từ ngày 31/1-1/2 tới, với mục tiêu đẩy tỷ lệ này lên trên 5% trong những tháng tới.
Trong năm 2022, Fed đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát lạm phát đang ở mức cao với 7 lần tăng lãi suất (bắt đầu từ tháng 3), đặc biệt với 4 lần tăng lãi suất liên tiếp ở mức 75 điểm cơ bản vào các tháng 6, 7, 9 và 11 đưa mức lãi suất từ mức 0-0,25% hồi đầu năm lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022, trước khi tăng lên mức 4,5-5,75% như hiện tại./.