Sáng 1/1, trước Ngọ Môn thuộc hoàng thành Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức khai mạc và công bố chương trình Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” và tổ chức tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn mở màn cho Festival Huế 2023.
Festival Huế 2023 gồm hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa, với các chủ đề như: “Xuân Cố đô,” “Kinh thành tỏa sáng,” “Huế vào thu,” “Mùa Đông xứ Huế.”
Festival Huế 2023 sẽ gắn liền với các điểm nhấn quan trọng như kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; 20 năm Nhã nhạc được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế.
[Lễ hội Điện Huệ Nam - Festival văn hóa dân gian của vùng đất Cố đô Huế]
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết Festival Huế 2023 sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng. Tỉnh tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tổ chức; gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Huế đến với du khách trong và ngoài nước.
Mở màn cho Festival Huế 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn, thông qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa.
Theo các nhà nghiên cứu, Lễ Ban Sóc tức là lễ phát lịch đầu năm mới của triều Nguyễn. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ; biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Dịp này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tặng hoa, quà cho những vị khách đầu tiên tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế trong năm 2023./.