Frankfurt tạo sức hút lớn đối với các ngân hàng quốc tế hậu Brexit

Frankfurt và các trung tâm tài chính khác của Đức được đánh giá có vị thế tốt hơn các đối thủ thuộc EU trong việc thu hút công ty tài chính và nhân lực muốn chuyển khỏi Trung tâm Tài chính London.
Trụ sở ECB tại Frankfurt Main, Đức ngày 13/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Frankfurt và các trung tâm tài chính khác của Đức được đánh giá có vị thế tốt hơn các đối thủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong việc thu hút công ty tài chính và nhân lực muốn chuyển khỏi Trung tâm Tài chính London giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn số liệu do tờ The Financial Times (Thời báo Tài chính) tổng hợp cho biết có tới 80% trong số 10 ngân hàng hàng đầu của EU cũng như 60% trong số 10 công ty bảo hiểm hàng đầu của EU có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Frankfurt, Munich hay các thành phố khác của Đức.

Những thành phố hiện có nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm đa quốc gia lớn đặt trụ sở đều đã chứng tỏ có khả năng tư vấn, đáp ứng về mặt chuyên môn và có cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc mở rộng của các ngân hàng cũng như các công ty bảo hiểm này.

Về điểm này, rõ ràng Frankfurt có lợi thế khi toàn bộ 10 ngân hàng quốc tế lớn đều có sự hiện diện tại thành phố này. Bên cạnh đó, quy mô lớn của các trung tâm tài chính cũng đóng góp một vai trò quan trọng. Ví dụ, Đức hiện có gần 2.500 ngân hàng và chi nhánh.

Nhiều ngân hàng đang bị “hút” về Frankfurt, nơi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đặt trụ sở chính.

Tuy nhiên, giới luật sư trong lĩnh vực việc làm cũng lưu ý rằng cản trở lớn nhất đối với Đức chính là luật lao động. Nếu nước này không thay đổi quy định hay áp dụng các quy định miễn trừ đối với các chuyên gia tài chính được trả lương cao, nước này có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các ngân hàng và công ty tới đây để đặt trụ sở chính của họ ở châu Âu.

Nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm đa quốc gia lớn hiện sử dụng London làm trụ sở để tiếp cận thị trường EU. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phàn thương mại giữa EU và Anh không dẫn đến Brexit “mềm” (Anh sẽ vẫn nằm trong Khu vực Thị trường chung châu Âu), thì từ tháng 3/2019, các ngân hàng và công ty tài chính sẽ không thể sử dụng tấm “hộ chiếu” có được ở Anh để hoạt động trong khu vực thị trường chung này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục