Giới tài chính Anh lo ngại về tác động tiêu cực liên quan Brexit

Khu vực tài chính của Anh ngày càng lo ngại về triển vọng kinh doanh sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Giới tài chính Anh lo ngại về tác động tiêu cực liên quan Brexit ảnh 1

Khu vực tài chính của Anh ngày càng lo ngại về triển vọng kinh doanh sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Các công ty tài chính nêu ba rủi ro lớn liên quan Brexit, gồm các tác động tiêu cực lên nền kinh tế, những thay đổi trong tiếp cận thị trường EU và khả năng lợi suất trái phiếu thấp. 

Phóng viên TTXVN tại London ngày 26/9 dẫn kết quả khảo sát mới nhất về lòng tin do CBI (Liên đoàn các Doanh nghiệp Anh) và PwC, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, hợp tác thực hiện cho thấy trong quý III/2016, lòng tin của các công ty tài chính, quản lý đầu tư và ngân hàng giảm trong quý thứ ba liên tiếp.

Đây là giai đoạn lòng tin giảm dài nhất kể từ quý I/2009, khi hệ thống tài chính toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng sâu và kéo dài. Lòng tin của các công ty bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ nhìn chung ổn định.

Khoảng 15% trên tổng số 115 công ty tham gia khảo sát cho biết họ lạc quan hơn, trong khi 28% tỏ ra bi quan về điều kiện kinh doanh so với 3 tháng trước đó. Mặc dù lòng tin kinh doanh giảm, song hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của các công ty trong quý III/2016 vẫn tăng. 

Người đứng đầu bộ phận tài chính của PwC Andrew Kail cho biết lòng tin giảm là mối quan ngại lớn. Các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển trụ sở khỏi Anh, do e ngại Anh và EU không đạt được những thỏa thuận thương mại thuận lợi trong tương lai sau Brexit.

Vai trò là trung tâm tài chính của Anh đứng trước nguy cơ lớn, nhất là khi có tới 2 triệu dân Anh làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong ngành tài chính.

Chuyên gia này coi Brexit là nhân tố mới nhất khiến ngành tài chính Anh đối mặt với nhiều thách thức hơn, chưa kể khu vực này đang phải đương đầu với một loạt khó khăn khác như môi trường lãi suất thấp, sự thay đổi về các quy định và công nghệ áp dụng trong lĩnh vực tài chính. 

Trong khi đó, nhà kinh tế chủ chốt của CBI Rain Newton-Smith cho rằng điều khiến người ta quan ngại nhất liên quan đến Brexit là những rủi ro đối với toàn bộ nền kinh tế trong những năm tới.

Hơn một nửa số công ty trong ngành tài chính cảm nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế, trong khi chỉ có 10% số công ty được hỏi cho rằng tác động là tích cực. 

Để ngăn chặn những tác động tiêu cực nảy sinh sau khi Anh rời EU, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hồi tháng 8 vừa qua đã công bố một gói biện pháp, trong đó có việc hạ lãi suất xuống mức thấp chưa từng có là 0,25%.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc BoE hồi đầu tháng này cũng bỏ ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất lần nữa trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.