Có thể tới cuối năm 2019 Anh mới rời khỏi EU do thiếu chuyên gia

Brexit có thể phải đến cuối năm 2019 mới được hoàn tất do ảnh hưởng của một số số yếu tố như những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia triển khai quá trình chuẩn bị.
Có thể tới cuối năm 2019 Anh mới rời khỏi EU do thiếu chuyên gia ảnh 1Quang cảnh bên ngoài trụ sở BoE ở thủ đô London ngày 14/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quá trình đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit có thể phải đến cuối năm 2019 mới được hoàn tất do ảnh hưởng của một số số yếu tố như những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia triển khai quá trình chuẩn bị hay các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức sẽ khiến cho quá trình đàm phán chậm lại.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Theresa May cũng từng đề cập tới khả năng "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nhằm bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi EU vào đầu năm 2017, và kết thúc vào khoảng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, tờ Sunday Times mới đây dẫn lời một số nhân vật quan trọng của Trung tâm tài chính London cho biết họ được các bộ trưởng cảnh báo riêng rằng việc kích hoạt Điều 50 có thể sẽ bị trì hoãn tới tận mùa Thu năm 2017.

Vấn đề nằm ở chỗ các bộ chưa tuyển đủ số lượng chuyên gia cần thiết để phục vụ cho kế hoạch này. Thậm chí nội dung đàm phàn cũng chưa được xây dựng cụ thể.

Thủ tướng May đã thành lập một bộ riêng chuyên phụ trách các cuộc đàm phán Brexit tuy nhiên vị Bộ trưởng đứng đầu cơ quan này David Davi​s cũng mới chỉ tuyển dụng được khoảng 50% số nhân viên cần thiết để giúp cơ quan này hoạt động theo kế hoạch.

Một cơ quan mới thành lập khác là Bộ Ngoại thương do Bộ trưởng Liam Fox đứng đầu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển mộ các chuyên gia về đàm phán bởi trên thực tế sau nhiều thập kỷ là thành viên của EU, mọi quá trình đàm phán đều do các chuyên gia của liên minh thực hiện nên hiện ở Anh chỉ có rất ít các chuyên gia đàm phán có kinh nghiệm.

Ngoài ra, các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Pháp vào tháng 4 và tháng 5/2017 và tại Đức vào mùa ​Thu 2017 cũng sẽ gây những cản trở nhất định đối với tiến độ đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.