Một năm sau ngày nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, việc kiên quyết vận động hành lang và đòn bẩy chính trị đã giúp trung tâm tài chính Frankfurt của Đức trở thành ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua thay thế London.
Một khi tiến trình Brexit hoàn tất, các công ty tài chính có thể mất đi cái gọi là “hộ chiếu” cho phép họ có thể bán các dịch vụ tài chính trên khắp EU từ London, qua đó khiến nhiều công ty phải tìm kiếm một điểm đến mới ở 27 nước EU còn lại.
Tại Frankfurt, các tổ chức ở khu vực tư nhân cũng như khu vực công đã bắt đầu mời gọi các ngân hàng đến với thành phố bên bờ sông Main này.
Những nỗ lực của họ đã được đền đáp khi tuần trước, một loạt các ngân hàng lớn như Ngân hàng Woori của Hàn Quốc, Nomura, Daiwa và Sumitomo của Nhật đã thông báo sẽ xin giấy phép hoạt động ngân hàng của Đức.
[Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của Anh bị lung lay vì Brexit]
Trước đó, giữa tháng Sáu, “gã khổng lồ” Goldman Sachs của Mỹ cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô nhân lực ở Frankfurt từ con số 200 người hiện tại.
Ngoài vị thế là trung tâm tài chính của Đức và sự hiện diện của cơ quan quản lý hàng đầu của khu vực Eurozone là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Frankfurt có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh như Amsterdam, Dublin, Luxembourg hay Paris.
Ngoài tài chính, Frankfurt còn có nhiều lĩnh vực phát triển khác như công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế.
Tuy nhiên, cũng có một số nhân tố làm thành phố này mất điểm. Đơn cử thuế doanh nghiệp của Đức thuộc vào hàng cao nhất châu Âu, và việc sa thải nhân viên theo luật Đức sẽ khó hơn các nước khác./.