Hội thảo đầu tiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot) đã diễn ra trong ngày 29/7 tại thành phố cảng Genoa (Italy).
Tham gia hội thảo có đại diện các nước thành viên G20, khu vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu. Các đại biểu đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách của chính phủ và khu vực tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Theo một tuyên bố chung của G20 và Viện Công nghệ Italy (IIT), các cuộc thảo luận xoay quanh những chủ đề chính, bao gồm vai trò của AI và robot trong các lĩnh vực công nghiệp và lao động khác; những ý nghĩa đạo đức của công nghệ, vai trò của AI và robot trong phát triển bền vững; chức năng của AI và robot trong các lĩnh vực tiên tiến, như khám phá không gian; vai trò của AI và robot trong văn hóa đại chúng.
Giám đốc khoa học của IIT - ông Giorgio Metta đánh giá cuộc hội thảo này có ý nghĩa quan trọng đối với G20, với Italy nói chung và đối với thành phố Genoa nói riêng.
[G20 xác định 5 nhiệm vụ của văn hóa trong tiến trình phục hồi]
Ông Metta nhấn mạnh: "Sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá tầm quan trọng của những chủ đề này, đồng thời ghi nhận năng lực của Genoa như một trung tâm công nghệ cao mới nổi."
Trong khi đó, bà Maria Chiara Carrozza - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy cho rằng các hệ thống truyền thống dành cho nghiên cứu và phát triển ít phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Bà nêu rõ: "Những gì môi trường nghiên cứu cần hiện nay là bảo vệ bằng sáng chế và các nhà đầu tư nắm bắt thông tin. Chúng ta phải đảm bảo rằng các thực thể khoa học đưa ra chứng cứ cho các nhà lãnh đạo chính trị và những chứng cứ này có thể ứng dụng để đưa ra các chính sách vì lợi ích của người dân."
Một diễn giả khác tại hội thảo là ông Pierpaolo Bombardieri - Tổng thư ký nghiệp đoàn UIL của Italy khuyến khích các tổ chức công đoàn nên vận dụng AI và người máy.
Ông Bombardieri cho biết: “Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và điều này đang biến đổi nhiệm vụ công việc và mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm thế nào để phân phối một cách công bằng các lợi ích do các công nghệ mới - như số hóa và AI - tạo ra, đồng thời để tránh tình trạng đang xảy ra hiện nay, đó là lợi ích tập trung vào tay một số ít người."./.