Gần 150 người thiệt mạng vì lũ lụt và lở đất ở Ấn Độ và Nepal

Bang Uttarakhand của Ấn Độ xác nhận 55 người đã thiệt mạng bởi lũ lụt, trong đó có một gia đình 5 người. Con số tử vong có thể tăng do còn nhiều người mất tích, trong đó có 20 khách du lịch leo núi.
Gần 150 người thiệt mạng vì lũ lụt và lở đất ở Ấn Độ và Nepal ảnh 1Nhân viên cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân vụ sạt lở đất do mưa lớn tại Thodupuzha, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/10, giới chức Ấn Độ và Nepal cập nhật số người thiệt mạng trong trận lũ lụt và lở đất ở hai nước này đã lên tới gần 150 người, tăng gấp đôi sau một ngày.

Cụ thể, Nepal ghi nhận 88 người thiệt mạng, trong số đó một gia đình 6 người, gồm 3 trẻ em, bị chôn vùi bởi trận lở đất bất ngờ.

Nhà chức trách địa phương cho biết lực lượng cảnh sát, quân đội Nepal và các cơ quan khác đã được huy động tham gia vào các hoạt động cứu hộ.

Trong khi đó, bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ, xác nhận 55 người đã thiệt mạng bởi lũ lụt, trong đó có một gia đình 5 người.

Người phụ trách các vấn đề thảm họa của bang này cho biết con số tử vong có thể tiếp tục tăng do còn nhiều người mất tích, trong đó có 20 khách du lịch leo núi.

Thảm họa thiên tai đã khiến giao thông, liên lạc tại một số khu vực bị cắt đứt khi nhiều cầu, đường bị hư hại. Hiện quân đội đã được huy động để khôi phục liên lạc và tiếp cận hỗ trợ hàng nghìn người bị mắc kẹt.

[Mưa lớn gây sạt lở đất tại Ấn Độ, ít nhất 15 người thiệt mạng]

Giới chức trách cho biết lũ lụt và lở đất tại thành phố Darjeeling đã phá hủy gần 400 ngôi nhà, khiến hàng nghìn người phải sơ tán và hàng trăm du khách bị mắc kẹt.

Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã đưa ra báo động đỏ đối với bang này, cảnh báo lượng mưa cực lớn sẽ tiếp tục tiếp diễn ở Darjeeling, Kalimpong và Alipurdur trong ngày 21/10.

Trận lũ lụt tại bang tiếp giáp với biển Arab này gợi lại thảm họa xảy ra vào năm 2018 khi gần 500 người thiệt mạng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua.

Các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của thời tiết khắc nghiệt khó lường vốn ảnh hưởng đến khu vực Nam Á những năm gần đây do biến đổi khí hậu và các hoạt động phá rừng, xây đập và phát triển quá mức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục