Gần 600 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trong tháng 10

Tính chung cả 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 4.100 sự cố tấn công mạng, giảm 7,8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2019.
Gần 600 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trong tháng 10 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Trong tháng 10/2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 582 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, tính chung cả 10 tháng đầu năm 2020, con số này là hơn 4.100, giảm 7,8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2019.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết để đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức và người dùng internet tại Việt Nam, từ giữa tháng 9/2010, chiến dịch "Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020" được Bộ Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia chủ trì, phối hợp cùng các doanh nghiệp (các đơn vị công nghệ thông tin thuộc các tập toàn công nghệ thông tin lớn như VNPT, Viettel, BKAV, FPT...) triển khai trên diện rộng.

Trong suốt chiến dịch, 21 đơn vị công nghệ thông tin tại Việt Nam cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm bảo đảm an toàn cho mọi đối tượng người dùng trên không gian mạng Việt Nam, làm cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

[Kỹ sư của Việt Nam tìm ra lỗ hổng bảo mật nguy hiểm quốc tế]

Kết quả sau 2 đợt cao điểm ra soát, xử lý mã độc trên các hệ thống máy tính, tính đến giữa tháng 10/2020, số lượng địa chỉ máy tính (IP) của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (IP Botnet) đã giảm mạnh, từ hơn 2 triệu xuống còn trên 1,3 triệu.

Trong tháng 9,10/2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cũng đã thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với 55 bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ các đơn vị trong việc giám sát mã độc và an toàn thông tin cho trên 100.000 máy tính của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Trước đó, để công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình bảo vệ 4 lớp.

Cụ thể, các hệ thống thông tin của các đơn vị cần được bảo vệ bởi lực lượng công nghệ thông tin tại chỗ, được bảo vệ chuyên nghiệp bởi các tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát.

Công tác đảm bảo an toàn an ninh phải được kiểm tra, đánh giá định kỳ bởi các tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập. Đồng thời, hệ thống an toàn thông tin của các đơn vị phải được kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.

Theo thống kê sơ bộ của Cục An toàn thông tin, tính đến đầu tháng 10/2020, đã có hơn 70% bộ, ngành, địa phương hoàn thành mô hình đảm bảo an toàn thông tin 4 lớp.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020, 100% bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành tiêu chí về mô hình an toàn thông tin 4 lớp, làm cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục