Gần 70% số lao động mắc hội chứng COVID kéo dài tại Anh cho biết họ bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc và khoảng 14% đã bị mất việc làm.
Thông tin trên được Đại hội công đoàn Anh (TUC) và tổ chức từ thiện Hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID kéo dài, đưa ra trong báo cáo công bố ngày 27/3.
Tổng cộng 3.097 người mắc COVID kéo dài tại Anh đã tham gia khảo sát, chia sẻ các vấn đề trong công việc.
Kết quả khoảng 14% cho biết đã bị mất việc làm do các nguyên nhân liên quan đến COVID kéo dài, khoảng 66% đã phải chịu một hoặc nhiều hình thức đối xử bất công tại nơi làm việc.
Ngoài ra, 49% số người tham gia khảo sát cho rằng họ đã mắc COVID-19 tại nơi làm việc.
Theo báo cáo, các hình thức đối xử bất công với người mắc COVID kéo dài tại nơi làm việc có thể là quấy rối, không tin các triệu chứng bệnh hoặc dọa kỷ luật.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký TUC Paul Nowak nhấn mạnh những người lao động mắc hội chứng COVID kéo dài đã thực sự thất vọng.
Nhiều người trong số họ là lao động chính, đã góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, song hiện một số người bị buộc phải thôi việc.
[COVID kéo dài là một phần nguyên nhân gây thiếu lao động tại Anh]
Những triệu chứng COVID kéo dài gồm khó thở, mệt mỏi kéo dài, rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
50% số người được hỏi ghi nhận các triệu chứng đau, gồm đau cơ, đau đầu, đau khớp và đau ngực.
Theo báo cáo, 29% số người tham gia khảo sát nói phải chịu đựng các triệu chứng của COVID kéo dài hơn 24 tháng, khoảng 23% phải chịu đựng trong khoảng từ 7-12 tháng và 60% chịu đựng các triệu chứng hơn 1 năm.
Những người được hỏi cũng tỏ ra thất vọng khi chủ lao động không hiểu rằng các triệu chứng này kéo dài và thay đổi thất thường.
Cụ thể, có 23% số người tham gia khảo sát cho biết các chủ lao động hoài nghi những triệu chứng COVID kéo dài ở người lao động hoặc tác động của các triệu chứng này.
Theo Cơ quan thống kê Anh (ONS), dữ liệu mới nhất từ ngày 2/1/2023 cho thấy 2 triệu người Anh cho biết đã phải chịu đựng hội chứng COVID kéo dài./.