Gặp ba nữ sinh thắng giải thưởng môi trường trị giá 100.000 USD

Với ý tưởng nghiên cứu, sản xuất băng vệ sinh phụ nữ phân hủy sinh học từ vỏ quả thanh long, nhóm nữ sinh đến từ Hà Nội và TP.HCM đã giành giải Nhất cuộc thi Earth Prize 2022 của Thụy Sĩ.
Nhóm nữ sinh Việt, gồm các thành viên Lương Anh Khánh Huyền, Bùi Tú Uyên và Trần Quỳnh Anh (từ trái qua) - giành giải Nhất cuộc thi Earth Prize 2022. (Nguồn: sohuutritue.net.vn)

Tối 22/4, tại Hà Nội, một cuộc trò chuyện giữa ba nữ sinh Việt Nam vừa thắng giải Nhất cuộc thi Earth Prize 2022 của Thụy Sĩ có giá trị 100 nghìn USD với báo chí đã diễn ra với sự tham dự của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber.

Với ý tưởng nghiên cứu, sản xuất băng vệ sinh phụ nữ phân hủy sinh học từ vỏ quả thanh long, nhóm nữ sinh gồm: Trần Quỳnh Anh (15 tuổi, Trường International Thành phố Hồ Chí Minh), Bùi Tú Uyên (17 tuổi, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Lương Anh Khánh Huyền (16 tuổi, Trường Concordia International Hanoi) đã vượt qua 650 đội thi thuộc 516 trường học từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải Nhất cuộc thi Earth Prize 2022 của Thụy Sĩ.

Chia sẻ tại buổi trò chuyện, ba em đều bày tỏ bất ngờ khi là nhóm thắng cuộc. Tú Uyên - học sinh phụ trách kỹ thuật trong nhóm cho biết, ý tưởng sử dụng vỏ quả thanh long sản xuất băng vệ sinh phụ nữ đến với nhóm trong thời gian giãn cách xã hội, khoảng tháng 7/2021.

Khi đó, thanh long không xuất khẩu được và hàng loạt điểm “giải cứu nông sản” đã được mở ra để hỗ trợ phần nào thiệt hại cho nông dân. Trước đó, quá trình nghiên cứu, tìm ý tưởng, ba nữ sinh nhận thấy những nguyên liệu thân thiện với môi trường đã được sử dụng trước đó như tre, vỏ chuối đều cần có quy trình canh tác và kỹ thuật xử lý khá phức tạp.

Trong khi đó, vỏ thanh long với hoạt chất fiber và pectin có thể tận dụng để sản xuất băng vệ sinh phụ nữ hoặc tã trẻ em... Bên cạnh đó, việc sử dụng vỏ quả thanh long cũng giúp giải quyết phần nào nguồn rác thải nông nghiệp, đem đến một sản phẩm thân thiện với môi trường.

[Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang]

“Băng vệ sinh phụ nữ thông thường mất khoảng 800-900 năm để phân hủy hoàn toàn, trong khi đó, băng vệ sinh từ vỏ quả thanh long chỉ mất khoảng sáu tháng để phân hủy. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tìm hiểu về cách xử lý nguyên liệu để tạo ra sản phẩm là phần khó nhất. Do đó, nhóm cần một thời gian nữa để ra sản phẩm hoàn thiện," Tú Uyên cho biết.

Quỳnh Anh, nữ sinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong quá trình xây dựng và triển khai ý tưởng, nhóm chưa từng gặp mặt trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vị trí địa lý và lịch trình học. Nhóm giữ liên lạc qua mạng xã hội và làm việc trực tuyến mỗi khi cần thảo luận. Trước đó, các cô gái gặp nhau tại một lớp học thêm và phát hiện có chung niềm đam mê với các vấn đề môi trường.

Quỳnh Anh chia sẻ: “Chúng em đặt tên nhóm là "Adorbsies," có nghĩa là những thứ dễ thương, vì mọi người khi nhắc tới bảo vệ môi trường thường nghĩ tới những vấn đề lớn lao hoặc những điều ai cũng biết nhưng không ai làm là trồng nhiều cây. Chúng em thực hiện ý tưởng này để chứng minh những sản phẩm bé nhỏ, dễ thương cũng có thể làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của nhiều người.”

Cho biết về kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, nữ sinh Lương Anh Khánh Huyền cho biết, dự kiến đến năm 2023, nhóm sẽ hoàn thành nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm mẫu và đưa ra thử nghiệm tại thị trường. Nhóm dự định sử dụng số tiền thưởng 100 nghìn USD để triển khai công đoạn này. Nhóm cũng có nhiều dự định về khởi nghiệp cho sản phẩm này thời gian sau đó.

Bày tỏ ấn tượng với thành tựu của ba nữ sinh Việt Nam, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber cho biết: Cuộc thi Earth Prize 2022 do Earth Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), phát động vào tháng 9/2021 là một cuộc thi toàn cầu vì một môi trường bền vững với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200.000 USD dành cho các bạn trẻ từ 13 đến 19 tuổi.

Giải thưởng tôn vinh các nhóm bạn trẻ có các dự án tiềm năng nhất liên quan đến bảo vệ môi trường. 10 đội lọt vào vòng chung kết bao gồm các đội đến từ Armenia, Canada, Jamaica, Kenya, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan (Trung Quốc), Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Anh và Việt Nam.

Dự án nghiên cứu, sản xuất băng vệ sinh phụ nữ làm từ vỏ quả thanh long của các nữ sinh Việt Nam đã đem đến bất ngờ cho Ban Tổ chức, thể hiện rõ sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường bền vững cũng như tính nhân văn sâu sắc.

Cũng theo Đại sứ Ivo Sieber, Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh hơn. Nhiều dự án hợp tác giữa hai nước đã được triển khai như: sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, phát triển du lịch theo hướng bền vững...

Tháng Sáu tới, ba nữ sinh Việt Nam sẽ có chuyến đi tới Geneva (Thụy Sĩ) để nhận giải thưởng danh giá này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục