Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 26/10 đến nay ở Quảng Trị có mưa rất to. Hàng ngàn hộ dân của huyện Vĩnh Linh dọc theo bờ sông Bến Hải và Sa Lung bị ngập sâu trong nước, cô lập trên diện rộng. Đây cũng là địa phương bị ngập lụt nặng nhất ở tỉnh Quảng Trị.
Chính quyền địa phương đã di dời người dân ở vùng xung yếu, gấp rút hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con. Trong ngày 28/10, tại huyện Vĩnh Linh, nhiều căn nhà vẫn bị ngập sâu trong nước, có nơi từ 1,5-2m; các tuyến đường liên thôn, liên xã nước còn chưa rút.
Tại xã Vĩnh Long, nước từ thượng nguồn đổ về theo dòng sông Sa Lung lên cao, người dân không kịp trở tay trong đêm. Cả xã hiện có hơn 600 hộ dân bị ngập lụt, chia cắt. Hệ thống giao thông đường bộ bị tê liệt vì chìm trong nước, phải di chuyển bằng đường thủy. Đường sắt Bắc-Nam đoạn qua ga Sa Lung cũng bị hư hại nặng.
Bà Trần Thị Hoa, thôn Gia Lâm, xã Vĩnh Long cho biết: Trời mưa như trút, nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông Sa Lung nước dâng cao bất ngờ. Đến khoảng 1 giờ ngày 28/10, nhà bà đã ngập nước, đồ đạc hư hỏng hết, mất điện. Các cấp chính quyền rất quan tâm, hỗ trợ, ngay trong sáng 28/10 đã mang những phần cơm nóng hổi, ấp áp đến với gia đình.
Nước lũ dâng cao trong đêm khiến gia đình bà Nguyễn Thị Tám, xã Vĩnh Long bị ngập. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Tám cho hay: Mưa lớn khiến nhiều nhà trong xã bị ngập sâu trong nước. Lúa mới thu hoạch xong, đồ đạc chưa kịp kê cao thì bị mưa ngập, ướt hết.
Hiện nay, tình trạng mất điện đang kéo dài nên việc ăn uống, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Rất may là chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời nên người dân cảm thấy rất ấm lòng trong mưa lũ.
Trước mắt, các hội đoàn thể và chính quyền đang gấp rút triển khai hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con. Đặc biệt, chính quyền và nhân dân xã bãi ngang Vĩnh Thái đã đưa thuyền lên để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Thái Nguyễn Duy Thường cho biết: Với tinh thần “Tương thân tương ái”, bà con xã Vĩnh Thái đã hỗ trợ 2 thuyền để vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân xã Vĩnh Long.
Sáng 28/10, đã có 2 lượt với 4 chuyến đi vào hỗ trợ và sẽ tiếp tục triển khai. Bà con cũng mong muốn hỗ trợ thêm thuyền khác lên vận chuyển hàng hóa cho các xã ngập lụt như Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm...
Hiện nay, các bên liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời kêu gọi, đóng góp, giúp đỡ người dân vùng ngập lụt vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.
Những suất cơm nóng hổi được giữ ấm trong thùng xốp, nước sạch được chuẩn bị chu đáo và trao đến tận tay người dân xã Vĩnh Long khiến người dân nơi đây rất xúc động. Hiện, công tác hỗ trợ vẫn đang được các cấp chính quyền triển khai liên tục.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Long cho biết: Do địa phương nằm sát ngay bên dòng sông Sa Lung nên khi nước ở thượng nguồn đổ về nhanh trong đêm, người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngay trong đêm, chính quyền đã cử lực lượng phối hợp di dời dân ở vùng trũng thấp, xung yếu đến nơi an toàn, ưu tiên người già, trẻ nhỏ và phụ nữ… Trong sáng 28/10, đã có 2 đội thuyền phối hợp với xã tổ chức hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cho địa bàn bị chia cắt, cơ bản đảm bảo đầy đủ cho người dân. Trong những ngày tới, khi nước bắt đầu rút, xã sẽ hướng dẫn người dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường…
Hiện mưa lớn vẫn đang tiếp diễn, nước sông bắt đầu rút nhưng chậm. Theo nhận định, tình trạng ngập lụt còn có thể kéo dài, gây khó khăn cho người dân, thiệt hại về kinh tế. Nhiều diện tích hồ tôm, nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi gia súc bị ngập, vỡ, gây thiệt hại lớn cho bà con.
Trước đó, huyện Vĩnh Linh đã di dời khoảng 730 người dân ở các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Hà, Vĩnh Long, thị trấn Hồ Xá đến nơi an toàn.
Ông Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết: Huyện chỉ đạo kích hoạt phương châm “4 tại chỗ” và di dời người dân ở vùng trũng thấp lên vùng cao, hoặc nhà cao tầng nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân.
Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo sử dụng các ghe thuyền, trưng dụng tàu của bà con xã Vĩnh Thái lên hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết sau bão để có phương án chủ động đối phó kịp thời.
Hiện mực nước tại các khu vực ngập lụt dọc sông Sa Lung và Bến Hải còn cao. Huyện Vĩnh Linh rà soát, nắm chắc số người bị cô lập do lũ lụt, có phương án cứu trợ, tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào bị đói; sẵn sàng các phương án và lực lượng, thuốc men để khắc phục hậu quả sau khi lũ rút, hạn chế dịch bệnh xảy ra./.
Mưa lũ sau bão số 6: Khắc phục sự cố tại nhiều địa phương
Do ảnh hưởng bão số 6, thành phố Đà Nẵng có 3 vụ lưới điện 110kV bị sự cố, 177 trạm biến áp chưa khôi phục, một số khu vực còn mất điện. Hiện thành phố đang nỗ lực xử lý các sự cố này.