Một làn sóng ngày càng tăng các “Gen Z” tại Singapore đang chuyển sang TikTok và Instagram để tìm kiếm thông tin thay vì sử dụng công cụ Google.
Phó Giáo sư Brian Lee - Trưởng khoa Khoa học Hành vi và Nhân văn và Phó Giáo sư Ludwig Tan - Trưởng Chương trình Truyền thông, tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho rằng sự thay đổi này chưa hẳn là điều không tốt đối với việc học.
Dưới đây là câu chuyện và góc nhìn của hai chuyên gia này, trong một bài viết được đăng tải trên trang Channel News Asia:
"Khi Melanie, một đồng nghiệp của Brian và Ludwig, lần đầu tiên gặp lại các sinh viên của mình sau khi Singapore trở lại trạng thái “Vùng Xanh” vào tháng Hai, cô đã rất ngạc nhiên khi thấy một số sinh viên thế hệ Gen Z dùng TikTok và Instagram để nghiên cứu trong các cuộc thảo luận nhóm trên lớp.
Chỉ mới trước đại dịch COVID-19, Google vẫn là “người bạn thân nhất” đối với các sinh viên của cô.
Sự thay đổi mà Melanie nhận thấy ở các sinh viên phản chiếu một nghiên cứu gần đây của Google về người dùng Internet thế hệ Gen Z - những người sinh ra vào khoảng cuối những năm 1990 cho đến đầu những năm 2010.
Phó Chủ tịch cấp cao của Google, ông Prabhakar Raghavan, thừa nhận nhiều người trong số Gen Z đã từ bỏ công cụ tìm kiếm của Google để chuyển sang các ứng dụng như TikTok hoặc Instagram. Ông cũng lưu ý rằng người dùng trẻ hiện nay quan tâm nhiều hơn đến các hình thức tìm kiếm và khám phá “giàu trực quan.”
Những “công dân số” thực thụ
Thế hệ Gen Z là những “công dân số” thực thụ - những người được bao quanh bởi mạng Internet, thiết bị di động và phương tiện truyền thông xã hội từ “thuở lọt lòng.”
Xử lý thông tin đa phương tiện và các video ngắn - với những hiệu ứng đặc biệt - là “bản năng thứ hai” đối với họ; không có gì ngạc nhiên khi những nội dung thông tin mà Gen Z ưa thích có xu hướng giàu hình ảnh.
Brian và Ludwig nhận thấy rằng các sinh viên Gen Z ưa thích những tài liệu học tập hấp dẫn có sự kết hợp của text, hình ảnh, âm nhạc… Kiểu tiếp cận đa phương tiện này làm cho việc học trở nên thú vị hơn đối với họ.
Người trẻ cảm thấy bị lôi cuốn bởi các video ngắn trên TikTok - những video có độ dài chỉ từ 15-60 giây, trong khi thông tin dạng text dường như “gặp khó” trong việc thu hút sự quan tâm cũng như khơi gợi trí tưởng tượng của Gen Z.
[Gen Z với thế mạnh công nghệ: Phát huy tính sáng tạo tại nơi làm việc]
Việc lớn lên trong thời đại kỹ thuật số cũng đã tác động sâu sắc đến “khoảng chú ý” của Gen Z. Theo một nghiên cứu của Microsoft, “khoảng chú ý” trung bình của con người đã giảm xuống còn 8 giây vào năm 2013, so với 12 giây vào năm 2000.
Ngay cả các chiến lược gia truyền thông cũng cảm thấy việc tiếp cận thế hệ trẻ là một thách thức không nhỏ, họ than thở rằng khả năng tập trung của Gen Z thậm chí còn “không bằng những chú cá vàng,” vốn có khoảng thời gian chú ý vào khoảng 9 giây.
Nội dung ngắn gọn của TikTok là “hoàn hảo” cho nhu cầu thỏa mãn tức thì cũng như cảm giác được kích thích liên tục của Gen Z, ngoài ra, TikTok cũng mang đến độ tương tác cao cùng những thuật toán mạnh mẽ.
Cũng tương tự như vậy, Instagram là “thánh địa” của những hình ảnh lôi cuốn và kích thích thị giác; không chỉ vậy, ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa cũng khiến mạng xã hội này trở nên thu hút hơn đối với Gen Z.
Trên thực tế, Instagram đã nổi lên như một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất đối với Gen Z, nhiều người trong số họ đã “di cư” từ Facebook sang Instagram để chia sẻ những gì đang “trending” với bạn bè và cộng đồng mạng, từ tin tức, trải nghiệm… cho đến những mẹo vặt trong cuộc sống.
Nhiều Gen Z có thói quen “follow” những nhân vật ảnh hưởng để cập nhật thông tin, kết quả là Instagram đã trở thành một công cụ tìm kiếm đối với họ.
“Chưa hẳn là điều không tốt”
Vậy việc các sinh viên sử dụng TikTok, Instagram hay những nền tảng xã hội tương tự có hẳn là một điều không tốt cho việc học hay không? Các nghiên cứu về cách não bộ của chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin có thể chứng minh điều ngược lại.
Một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Kasetsart của Thái Lan cho thấy con người xử lý và lưu giữ thông tin bằng hình ảnh tốt hơn so với thông tin dạng văn bản.
Những yếu tố kích thích thị giác đã được chứng minh là có thể thu hút sự chú ý hiệu quả hơn, cũng như giúp tăng cường khả năng học tập và trí nhớ trong khoảng thời gian dài hơn, so với những thông tin “thuần text.” - “Một bức ảnh bằng ngàn lời nói.”
Công nghệ số và truyền thông xã hội đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống của thế kỷ 21. Khả năng siêu kết nối và giao diện công nghệ cao của các thiết bị thông minh đã mang đến vấn đề mới về tình trạng quá tải thông tin kỹ thuật số - điều “không thể tưởng tượng được” 20 năm về trước.
Mỗi sớm thức dậy, Gen Z đã bị choáng ngợp bởi vô vàn thông tin “đua nhau” giành lấy sự chú ý của họ. Đa nhiệm với các hình thức giao tiếp trực quan phong phú có thể là một cơ chế tự nhiên để Gen Z có thể “sinh tồn” giữa biển thông tin kỹ thuật số ngày nay.
Trở lại chuyện dạy và học, có thể các thầy cô giáo sẽ muốn đánh giá lại phương pháp giảng dạy để “đồng bộ” với những thay đổi trong cách sinh viên tìm kiếm thông tin.
Các trường học có thể phải đổi mới chương trình giảng dạy, lưu ý đến nhu cầu học tập mới của Gen Z trong thời đại kỹ thuật số, khi sinh viên trông đợi từ thầy cô những bài học trực quan hơn là việc truyền đạt kiến thức đơn thuần bằng lời nói - và điều này ngày càng đúng hơn bao giờ hết.
Cô giáo Melanie đã quyết định kết hợp TikTok và Instagram vào công việc giảng dạy của mình. Và tất cả hiện giờ đều ổn thỏa với cô, khi “cơn sóng thần” của thế hệ kế tiếp Gen Alpha - những người trẻ được sinh từ sau năm 2010 - chưa ập đến"./.